Hiệp định EVFTA

Chiều 18/11, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo với chuyên đề ''Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu''. Tại đây, các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ về những giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Theo thống kê từ số liệu Hải quan Việt Nam, sau 4 năm EVFTA có hiệu lực (từ 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%. Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 16,8%; nhập khẩu tăng khoảng 10%. EU nằm trong top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực, như: Điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực.

Tại hội thảo, ông Đinh Sỹ Minh Lăng –Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ - Bộ Công Thương, Giảng viên đào tạo của ITC về tiếp cận thị trường và công cụ thuế quan đã chỉ ra tính cách đặc điểm tiêu dung của từng nước.

Chẳng hạn, theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, người Đức không thích sử dụng đồ nhựa và thích dùng đồ gỗ; thích ăn thuỷ hải sản hơn thịt, chỉ dùng những sản phẩm đóng gói có ghi rõ họ tên sản phẩm, nơi sản xuất, các điều kiện bảo quản và sử dụng, mã số và mã vạch.

Người Hà Lan lại rất ưa thích những sản phẩm mới lạ. Các sản phẩm tươi sống nhưng đóng gói nhỏ có khả năng bảo quản lâu cũng đang là những sản phẩm được ưa chuộng thời gian gần đây. Mặc dù họ rất quan tâm đến giá cả và khuyến mại nhưng họ sẵn sàng trả giá cao để mua sản phẩm nhưng sản phẩm đó phải là sản phẩm tốt hơn nhữngsản phẩm cùng loại khác

Còn người Italia chú trọng vào chất lượng trước, sau đó là đa dạng, phong phú chủng loại sản phẩm. Người Phần Lan đề cao yếu tố tiện lợi, sẵn sàng ăn và nấu nướng để tiết kiệm thời gian.

Cũng theo ông Lăng, ưu tiên của các nhà bán lẻ châu Âu, đó là nguồn hàng mang giá trị bền vững: "Các sản phẩm thân thiện với môi trường, thương mại công bằng và có đạo đức cũng như việc làm bền vững trong các công ty cung cấp đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dung, do đó nguồn cung ứng bền vững cũng nhận được thu hút sự hỗ trợ mạnh mẽ không kém từ chính các nhà bán lẻ. Khảo sát ý kiến của ITC về nguồn hàng, sản phẩm bền vững: 85% nhà bán lẻ cho biết doanh số bán các sản phẩm bền vững đã tăng trong 5 năm qua 92% nhà bán lẻ kỳ vọng doanh số bán các sản phẩm bền vững sẽ tăng trong 5 năm tới".

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng - Chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế - Văn Phòng Chính Phủ; nguyên Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế cho biết: "Các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về các quy định pháp luật trong nước và quốc tế chưa cao, nhận thức và kỹ năng soạn thảo hợp đồng còn hạn chế. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đàm phán, ký kết và thực hiện hiệu quả hợp đồng".

Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế, ông Hưng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần đầu tư cho công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, tìm hiểu kỹ thông tin của đối tác; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực liên quan đến pháp chế và hoạt động xuất nhập khẩu; thiết lập quy trình giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế; các điều khoản trong hợp đồng cần được quy định cụ thể, rõ ràng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên sử dụng các hợp đồng mẫu của các tổ chức, cơ quan uy tín trên thế giới. Sử dụng đồng bộ các giải pháp trên có thể giúp các doanh nghiệp hạn chế được các rủi ro khi giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhận diện rủi ro và một số vấn đề pháp lý khi xuất khẩu hàng hóa và thanh toán quốc tế. Chính phủ Việt Nam đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại quốc tế, nổi bật là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trước bối cảnh đó, việc trang bị một số kiến thức cơ bản cho doanh nghiệp để nhận biết các rủi ro pháp lýkhi xuất khẩu hàng hoá và thanh toán quốc tế là điều vô cùng cần thiết.

Để hạn chế phần nào rủi ro khi giao dịch thông qua môi giới, chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, đánh giá, kiểm tra,xác minh thông tin nhận được từ Bên môi giới thông qua các nguồn thông tin chính thống (như thông qua Hiệp hội ngành nghề, cơ quan đại diện ngoại giao/lãnh sự củaViệt Nam tại nước sở tại của bên mua). Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong quá trình trao đổi, đàm phán để không mất đi vai trò trọng yếu của mình và bên còn lại trong giao dịch mua bán hàng hoá, tránh trường hợp phụ thuộc hoàn toàn vào bên môi giới. Bên cạnh đó, trên cơ sở quy định tại Luật Thương mại như dẫn chiếu nêu trên thì các Bên có thể thỏa thuận bên môi giới là cũng được ủy quyền để thực hiện hợp đồng giữa các bên, từ đó ràng buộc trách nhiệm của bên môi giới trong việc thực hiện hợp đồng được giao kết giữa các bên.

Thứ hai, trong bất kỳ giao dịch mua bán hàng hóa, để ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các bên, hợp đồng mua bán phải được thiết kế với những điều khoản chặt chẽ tương ứng, trong đó, bên bán có thể sử dụng một số biện pháp sau như têu cầu bên mua đặt cọc một phần giá trị hàng hoá và tuỳ theo đối tác mà giá trị khoản đặt cọc sẽ được ấn định cụ thể; hoặc bên bán có thể đàm phán với bên mua để yêu cầu một ngân hàng hoặc một bên thứ ba có năng lực tài chính phù hợp phát hành thư/cam kết bảo lãnh thanh toán.

Thứ ba, giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế thường được bổ trợ bởi các nghiệp vụ hậu cần, ví dụ như nghiệp vụ vận tải đường biển, hàng không.... Để tiết kiệm chi phí vận tải, các doanh nghiệp thường lựa chọn phương thức vận tải đường biển thông qua các hãng tàu có chức năng vận chuyển. Đặc trưng của ngành vận tải đường biển là nhiều rủi ro nên pháp luật và tập quán quốc tế sẽ có những quy định đặc thù để giới hạn trách nhiệm cho bên vận chuyển. Việc giới hạn này sẽ tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro của các Bên trong giao dịch mua bán hàng hóa, bởi lẽ nếu rủi ro phát sinh trong quá trình vận chuyển mà bên vận chuyển không chịu trách nhiệm thì thiệt hại sẽ hoàn toàn thuộc về bên bán, bên mua trong giao dịch. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa cũng cần có kiến thức nhất định về lĩnh vực vận tải, đặc biệt là các quy định về giới hạn trách nhiệm của bên vận chuyển để lường trước được những rủi ro phát sinh, cũng như chuẩn bị sẵn phương án xử lý.

Nguồn: Nguyễn Phương Linh, Bộ Tài chính