Cùng với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) đã mở ra một chương mới cho sự hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế. Với những cam kết sâu rộng và toàn diện, EVIPA được kỳ vọng mang đến những cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao đời sống của người dân.
EVIPA đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư và tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, theo khẳng định của Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier.
Tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch
Trong quá trình đàm phán EVFTA giữa Việt Nam và EU, Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) được tách riêng từ tháng 6-2018 với các quy định cụ thể về hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng bảo vệ các nhà đầu tư và khoản đầu tư, bảo đảm những chủ thể này được đối xử công bằng và không bị phân biệt một khi xảy ra tranh chấp(1). EVIPA khi có hiệu lực sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.
Bên cạnh cơ chế hòa giải và tòa trọng tài, việc thống nhất các quy định về tòa đầu tư (tiểu mục 4, chương 3) trong EVIPA đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam thiết lập một cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực trong một IPA(2). Đây cũng là điểm mới so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia trước đây(3).
Cơ chế này quy định tòa đầu tư gồm cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Để đảm bảo công bằng, cấp sơ thẩm có chín người, trong đó ba là công dân EU, ba là công dân Việt Nam và ba từ nước thứ ba. Đối với cấp phúc thẩm, số lượng thành viên giảm còn sáu, với hai đại diện cho mỗi thành phần theo tỷ lệ tương tự. Tất cả đều phải là những thành viên độc lập và không làm việc cho Chính phủ. Với cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, vị trí chủ tịch và phó chủ tịch được chọn từ thành viên là công dân nước thứ ba(4).
Quy trình tố tụng của EVIPA áp dụng bộ quy tắc UNCITRAL về minh bạch, quy định các nguyên tắc cơ bản trong quá trình xét xử các tranh chấp trong hoạt động thương mại quốc tế. Văn bản này được Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc (UNCITRAL) thông qua ngày 28-4-1976(5). Một khi được đưa ra, phán quyết cuối cùng sẽ được thực thi và có hiệu lực ràng buộc giữa các bên tranh chấp. Phán quyết cuối cùng không bị kháng cáo, xét lại, hủy bỏ, hay áp dụng bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào tương tự. Như Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng khẳng định, với EVIPA, Việt Nam và EU cam kết đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư, trong đó không trực tiếp hoặc gián tiếp quốc hữu hóa, tước quyền sở hữu của nhà đầu tư, trừ trường hợp vì mục đích công, phù hợp với thủ tục luật định(6).
Các chuyên gia cho rằng, với các quy định chi tiết và toàn diện, EVIPA có thể “mở khóa” toàn bộ tiềm năng của EVFTA. Tuy nhiên, theo ông Guerrier, quá trình phê chuẩn EVIPA phức tạp hơn so với EVFTA. Trong khi EVFTA chỉ cần được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, EVIPA lại yêu cầu sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên EU, kể cả những nước có chính thể liên bang đòi hỏi thêm một số quy trình mang tính đặc thù ở từng địa phương.
Dù vậy, nhìn lại quá trình đàm phán được khởi động từ tháng 10-2010, EVFTA và EVIPA là minh chứng sống động cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và EU trong việc nâng tầm hợp tác song phương, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của mỗi bên, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu kết nối của cộng đồng doanh nghiệp. Ngày 17-10-2018, Ủy ban châu Âu (EC) thông qua EVFTA và IPA, trên cơ sở đó hai bên ký kết các hiệp định này vào ngày 30-6-2019. Ngày 30-3-2020, Hội đồng châu Âu thông qua EVFTA trước khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn cả hai hiệp định vào ngày 8-6-2020, chính thức đưa EVFTA vào thực thi chưa đầy hai tháng sau đó.
Hiện tại, có 18 trong số 27 quốc gia EU đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn EVIPA. Các cơ quan hữu quan EU đang nỗ lực để các quốc gia thành viên còn lại của tổ chức sớm tiến hành quá trình phê chuẩn. Đại sứ EU tại Việt Nam Guerrier tin rằng nỗ lực đưa EVIPA vào thực thi sẽ giúp nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp châu Âu. Bởi lẽ, điều này không chỉ mở ra thêm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam cho các nhà đầu tư EU, mà còn cho phép nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á tăng cường thu hút dòng vốn ngoại chất lượng để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất và dịch vụ.
Dựa trên sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu
Bên cạnh EVFTA và EVIPA, sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) của EU đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam. Với khoản đầu tư trị giá 300 tỉ euro cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng bền vững, công nghệ số, năng lượng xanh, giao thông, nghiên cứu, giáo dục và y tế, chương trình này được kỳ vọng hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững hơn tại các quốc gia Đông Nam Á.
Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, EU đã tổ chức chương trình Horizon Europe, khuyến khích các nhà nghiên cứu và tổ chức Việt Nam tham gia vào các dự án chung với các đối tác châu Âu nhằm tiếp thu công nghệ và trau dồi chuyên môn, qua đó xây dựng các quan hệ hợp tác tiềm năng trên nhiều lĩnh vực.
Trên thực tế, EU hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam, với tổng số vốn tính đến ngày 20-5-2024 đạt 29,88 tỉ đô la(7), tập trung chủ yếu vào các cơ sở sản xuất hiện đại, công nghệ cao, các dự án tuân thủ tiêu chuẩn xã hội, môi trường và trung hòa carbon. Việt Nam cũng là đối tác chính hưởng lợi từ viện trợ phát triển của châu Âu trong khu vực. Những khoản đầu tư này, theo ông Guerrier, mang đến công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao nhận thức về môi trường cũng như góp phần cải thiện môi trường làm việc của chính người lao động trong nước.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quí 3-2024 ghi nhận những tín hiệu tích cực, chạm mốc 52 điểm, tăng 7 điểm so với cùng kỳ năm trước. Gần một nửa (47,4%) doanh nghiệp trong số 1.400 thành viên hiệp hội bày tỏ tin tưởng vào mức độ cải thiện của tình hình kinh tế vĩ mô trong ba tháng cuối năm, trong khi khoảng 70% công ty đặt kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam trong giai đoạn năm năm tới.
Các dự án trong khuôn khổ sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu, với trọng tâm là quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), được xem có vai trò nền tảng đối với hoạt động đầu tư của EU tại Việt Nam. Được ký kết vào ngày 14-12-2022 giữa Việt Nam, Anh, EU và một số nước trong nhóm đối tác quốc tế (IPG), JETP đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050 với số tiền huy động trong vòng 3-5 năm tới ít nhất là 15,5 tỉ đô la(8).
Hiện tại, EU đang đầu tư vào nhiều dự án năng lượng tại Việt Nam, trải rộng từ thủy điện, điện gió đến điện mặt trời. Nỗ lực này không chỉ góp phần kiến tạo hạ tầng năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường tại Việt Nam mà còn giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng thông qua việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Dù đang đối mặt với thách thức từ “những cơn gió ngược” của nền kinh tế, Việt Nam đang cho thấy quyết tâm lớn trong việc tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi và thông thoáng. Nói như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam xem “thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, và mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam”(9).
Tinh thần ấy cần được phát huy trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tìm kiếm những điểm tựa mới để duy trì tăng trưởng dựa trên kinh tế xanh, kinh tế số và phát triển bền vững. Ở đó, không chỉ cơ hội mà kỳ vọng dành cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư EU trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam cũng đang lớn dần, như chính xung lực mạnh mẽ mà EVFTA và EVIPA mang đến cho quan hệ song phương trong thời gian qua.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn