Hiệp định EVFTA

Cùng việc tận dụng ưu đãi từ EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Đức.

Trong những năm qua, Đức luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong quan hệ hai nước, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là lĩnh vực trụ cột. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 11 tỷ USD. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Trong 4 tháng năm 2024, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt gần 3,65 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt trên 2,57 tỷ USD tăng 2,5%; kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt trên 1,07 tỷ USD, giảm 2,6% so với 4 tháng năm 2023.

Một số mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh như: Thủy sản đạt trên 58 triệu USD, tăng 3,3%; rau quả đạt 19,85 triệu USD tăng 107,1%; hạt điều đạt trên 38,3 triệu USD, tăng 42,4%; cà phê đạt trên 317,84 triệu USD, tăng 54,8%; hạt tiêu đạt trên 26,23 triệu USD, tăng 147,2%.

Về hoạt động đầu tư, tính đến 23/3/2024 thị trường Đức đứng thứ 17 trong tổng số 145 nước đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.752,11 triệu USD, 469 dự án. Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kĩ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Một số tập đoàn lớn của Đức đã đầu tư vào Việt Nam như: Siemens, Deutsche Bank, Bayer, Stock... Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: Daimler-Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes-Benz), B. Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim)...

Riêng về hoạt động xuất khẩu nông sản, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Đức cho biết, Đức chưa phải là thị trường xuất khẩu lớn của nông sản thực phẩm Việt nhưng lại là thị trường có nhiều triển vọng, đặc biệt khi Việt Nam đang có lợi thế đã là thành viên của Hiệp định EVFTA.

Ông Bùi Vương Anh - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại thị trường Đức cho biết, nhu cầu nhập khẩu nông sản của Đức rất đa dạng và phong phú, phản ánh nền kinh tế phát triển và sự đa dạng trong khẩu vị của người tiêu dùng. Trong khối các nước châu Âu, Đức là một trong những thị trường lớn nhất cho các sản phẩm nông sản nhập khẩu.

Phân tích rõ hơn về những triển vọng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này, ông Bùi Vương Anh cho biết, về mặt hàng trái cây và rau quả, Đức là một trong những nước nhập khẩu trái cây và rau quả lớn nhất ở châu Âu. Các loại trái cây như chuối, cam, táo, và nho rất được ưa chuộng. Đức cũng nhập khẩu một lượng lớn rau củ như cà chua, dưa leo, và ớt.

Đối với nhóm hàng cà phê và trà, thị trường Đức có nhu cầu lớn đối. Quốc gia này nhập khẩu cà phê từ các nước sản xuất lớn như Brazil, Việt Nam và Colombia.

Với nhóm thực phẩm hữu cơ, Thương vụ cho rằng, người tiêu dùng Đức rất quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ. Nhu cầu về nông sản hữu cơ, bao gồm trái cây, rau quả, ngũ cốc và thịt hữu cơ, đang tăng mạnh.

Trong khi đó, đối với nhóm hàng ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc, thị trường Đức nhập khẩu các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, và ngô từ các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu nội địa và sản xuất công nghiệp thực phẩm.

Ngoài ra, đối với hạt điều, hạt tiêu, và các loại hạt khác, Đức là một trong những thị trường lớn nhất cho hạt điều, hạt tiêu và các loại hạt khác. Các sản phẩm này thường được nhập khẩu từ các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, và Brazil.

Rượu vang và bia, Đức không chỉ là nhà sản xuất rượu vang và bia lớn mà còn là nhà nhập khẩu lớn của các sản phẩm này. Đức nhập khẩu rượu vang từ các nước như Pháp, Ý, và Tây Ban Nha, và bia từ các nước láng giềng châu Âu.

Thịt và sản phẩm từ thịt, Đức nhập khẩu thịt bò, thịt heo, và thịt gia cầm từ các nước như Hà Lan, Đan Mạch, và Ba Lan để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Riêng đối với đường và các sản phẩm từ đường, mặc dù Đức là một trong những nước sản xuất đường lớn, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm từ đường như đường mía vẫn khá cao.

Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh cho rằng, còn nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản vào Đức khi Hiệp định EVFTA sẽ dỡ bỏ 99,2% số dòng thuế cho hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Đức sau 7 năm, và cũng xoá bỏ 98,3% số dòng thuế cho các sản phẩm của Đức nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sau 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Cùng đó, Hiệp định EVFTA cũng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam và 12 sản phẩm của EU, giúp các sản phẩm này gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường mỗi bên.

Ngoài ra, Hiệp định cũng bao gồm rất nhiều cam kết khác về hải quan, vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.... giúp thiết lập nên các tiêu chuẩn và nguyên tắc thuận lợi hóa thương mại, tạo điều kiện dễ dàng cho hàng hóa của Việt Nam và Đức tiếp cận thị trường của nhau.

Bên cạnh lợi thế về các ưu đãi thuế trong EVFTA, một điểm lợi thế nữa của thị trường Đức là nước này có cộng đồng người Việt Nam đông đảo, đang sinh sống, làm việc và kinh doanh tại đây, có hệ thống phân phối sản phẩm châu Á, trong đó phần lớn có xuất xứ từ Việt Nam rộng khắp tại Đức, là các đầu mối tiêu thụ và trung chuyển tiềm năng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam không chỉ trong phạm vi nước Đức. Đối với mặt hàng cà phê, Đức hiện đang là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.

Dù có nhiều lợi thế, song Đức là một trong những thị trường “khó tính” bậc nhất châu Âu, do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như gia tăng thị phần hàng nông sản Việt Nam tại thị trường này doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần áp ứng các yêu cầu bổ sung của thị trường nhập khẩu. Ngoài những yêu cầu tối thiểu bắt buộc của thị trường thì người mua cũng sẽ có những yêu cầu riêng cho từng loại sản phẩm.

Cùng đó, chú trọng xây dựng thương hiệu, gắn những câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm ví dụ như trang trại cà phê, người trồng, cơ sở chế biến, ý nghĩa của sản phẩm…

Mặt khác, tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA, tiếp cận các kênh phân phối tại Đức, đặc biệt kênh phân phối hàng châu Á. Đây là cách tiếp cận hiệu quả để các doanh nghiệp Việt từng bước đưa cà phê thương hiệu Việt vào thị trường Đức nói riêng và EU nói chung.

“Đức là nơi tổ chức các Hội chợ quốc tế rất lớn và hiệu quả. Các doanh nghiệp nên có kế hoạch tham gia Hội chợ quốc tế để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác” - Thương vụ khuyến nghị và tin rằng, với việc tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Đức dự báo có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Nguồn: Nguyễn Phương Linh, Bộ Tài chính