Hiệp định EVFTA

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức tăng từ con số 6,64 tỷ USD năm 2020 lên con số 7,4 tỷ USD năm 2023.

Trong những năm qua, với đặc thù cơ cấu hàng hóa bổ sung cho nhau là chủ yếu, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đức liên tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước năm 2023 đạt trên 11 tỷ.

Đức duy trì là một trong những đối tác xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam tại thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung. Nếu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Đức đạt 6,64 tỷ USD, thì đến năm 2023, con số xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã đạt 7,4 tỷ USD.

Tại khu vực thị trường EU, Đức là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này. Điều này một phần là do sức mua của thị trường Đức lớn, phần khác có thể do Đức là cửa ngõ cho hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường khác tại EU.

Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Đức có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu sử dụng như: đồ gỗ, may mặc, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới…

Thương vụ Việt Nam tại Đức cho hay cơ hội đưa hàng Việt Nam vào Đức còn cao. Người tiêu dùng Đức sẵn sàng sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh từ các quốc gia đang phát triển.

Bên cạnh đó, số người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng đang sinh sống, làm việc và học tập tại Đức ngày càng tăng trong những năm gần đây. Lượng người tiêu dùng này có xu hướng sử dụng nhiều các sản phẩm châu Á, trong đó có sản phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, lợi thế từ Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội tốt cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Về thứ hạng, Đức chiếm vị trí thứ 7 trong Top các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng xét về thị phần, xuất khẩu sang Đức chỉ chiếm 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu đi thế giới của Việt Nam. Có thể thấy, tiềm năng để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này là rất lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức các sản phẩm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1,18 tỷ USD); giày dép các loại (0,94 tỷ USD); điện thoại và linh kiện điện thoại (0,91 tỷ USD); hàng dệt may (0,84 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện từ và linh kiện (0,71 tỷ USD).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Đức các sản phẩm gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1,29 tỷ USD); hóa chất (0,47 tỷ USD); dược phẩm (0,32 tỷ USD); sản phẩm hóa chất (0,24 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện từ và linh kiện (0,17 tỷ USD).

Để thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước, Phòng thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp hai nước. Thông tin từ đơn vị này cho biết, Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng, mua sắm và vận tải Đức (BME) cùng với Hiệp hội các phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đại diện cho Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức tổ chức Sáng kiến mua hàng năm 2024 vào tháng 2 tới đây.

Năm nay, hoạt động này tiếp tục tập trung trọng tâm vào kết cấu kim loại, các chi tiết gia công cơ khí như đúc và rèn, các bộ phận dập và uốn cong, ép phun, linh kiện nhựa và điện tử, cụm hàn, lắp ráp, vật liệu sản xuất và các bộ phận vẽ.

Theo Phòng thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam, sẽ có hai buổi hội thảo trực tuyến kết nối trực tiếp các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Đức nhằm làm quen, cung cấp thông tin cặn kẽ hơn từ các bên, mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai. Doanh nghiệp tham dự sẽ nhận được thông tin trực tiếp từ người mua Đức về các thực hành kinh doanh hiệu quả, và hiểu rõ về yêu cầu cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp Đức.

Nguồn: Lê Minh Sang, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang