Hiệp định EVFTA

Những tiêu chuẩn cao của EVFTA giúp nền kinh tế Việt Nam mở rộng thương mại, đạt được lợi thế rõ rệt trong việc tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại.

Trao đổi với phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam, GS. TS. Andreas Stoffers, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Việt Nam hiện đang sống tại Đức nhận định, các số liệu kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 đã chứng minh lợi ích từ “hiệp định lịch sử” với Liên minh châu Âu (EU).

Năm 2020, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU (EVFTA)Để ký kết Hiệp định này, Việt Nam đã phải trải qua một quá trình kéo dài tới 9 năm. Đây được xem như một thành công lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng tầm vị thế quốc gia và tạo ra những cơ hội, vận mệnh mới cho đất nước. Theo quan điểm của ông, Việt Nam có điều gì đặc biệt để những đối tác EU ủng hộ EVFTA?

Đúng vậy, thời gian đàm phán EVFTA rất dài. Nhưng điều này là do hiệp định thương mại có tác động rất sâu rộng đối với cả hai bên. Thực tế là có tổng cộng 27 quốc gia châu Âu, với các lợi ích khác nhau đã tham gia vào quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam. May mắn thay, hiệp định này đã được phê chuẩn vào năm 2020.

EU rất muốn có các FTA với càng nhiều quốc gia càng tốt. Tuy nhiên, việc đàm phán nhiều FTA tại một thời điểm không thể thực hiện được cùng lúc.

Về mặt này, Việt Nam có thể tự hào rằng, vào thời điểm đó, EU đã chọn Việt Nam là quốc gia ở Đông Nam Á cần ký kết một hiệp định hiện đại như vậy. Đây là sự tôn vinh những gì mà quốc gia Đông Nam Á đã đạt được về tự do và cởi mở kinh tế.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, Việt Nam là cầu nối rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả những điều này khiến Việt Nam trở nên đặc biệt và góp phần to lớn vào thành quả cuối cùng là tất cả các đối tác trong EU đều ủng hộ EVFTA.

Việt Nam và EU đã trải qua 4 năm thực thi “hiệp định lịch sử” EVFTA. Ông đánh giá thế nào về những kết quả mà hiệp định này mang đến với Việt Nam?

Hiện EVFTA đã có hiệu lực được 4 năm và có lý do chính đáng để tôi khẳng định rằng, hiệp định này mang lại lợi ích tích cực cho cả hai bên. Hiệp định đã tạo ra sự tin tưởng giữa Việt Nam và EU, cả trong nhiều năm đàm phán cùng những năm sau khi phê chuẩn.

Là quốc gia được lựa chọn cho một FTA hiện đại như vậy, Việt Nam gây chú trên trên báo chí quốc tế và gây ấn tượng với công chúng, doanh nghiệp châu Âu.

Đối với Việt Nam, EVFTA đã và chắc chắn là một thành công lớn. Nhờ hiệp định, Việt Nam có khả năng tiếp cận trực tiếp tới 27 thị trường của EU. Những tiêu chuẩn cao mà EVFTA đặt ra giúp nền kinh tế Việt Nam mở rộng thương mại, đạt được lợi thế rõ rệt trong việc tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại  toàn cầu.

Các số liệu kinh tế của Việt Nam trong năm nay cũng đã chứng minh lợi ích từ “hiệp định lịch sử” với EU. Kết quả của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 rất đáng khích lệ, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,42%. Kỳ vọng trong năm 2024, GDP ở mức 6,5-6,7%.

Cả ba trụ cột của nền kinh tế là đầu tư, thương mại và tiêu dùng đều đang có xu hướng đi lên mạnh mẽ. Nhìn chung, đây là điều kiện rất tốt để Việt Nam mở rộng thương mại với EU dựa trên EVFTA.

Song song với đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%. Điều đặc biệt đáng chú ý là 80% vốn FDI đăng ký tập trung ở những nơi có cơ sở hạ tầng hoàn hảo, nguồn nhân lực có tay nghề cao và chính quyền địa phương cam kết xúc tiến đầu tư hợp lý.

Chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang cải thiện rõ rệt. Các sản phẩm công nghệ cao và bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong công nghiệp và sản xuất chiếm 78,5% vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng.

EVFTA đã chứng minh sự thành công khi góp phần giúp Việt Nam vượt qua nhiều “cơn gió ngược” của thế giới như đại dịch Covid-19, lạm phát… Trong những thành quả có được từ EVFTA, lĩnh vực nào thành công nhất nhờ Hiệp định này?

Thật khó để đánh giá lĩnh vực nào được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​EVFTA.

Theo quan điểm của tôi, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam có cán cân thương mại dương 14,1 tỷ USD, trong đó, EU đóng vai trò thiết yếu khi hàng nhập khẩu từ Việt Nam nhiều hơn xuất khẩu. Từ tháng 1 đến tháng 4/2024, thặng dư thương mại của Việt Nam với EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm ngoái.

Bên cạnh những thuận lợi về chính sách thương mại, không thể bỏ qua lĩnh vực thu hút FDI. Lĩnh vực này có tác động lan tỏa từ chính sách thương mại đến chính sách đầu tư.

Các doanh nghiệp châu Âu có thể đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang các nước trong khu vực, nổi bật trong đó phải kể đến: BBraun, Tesa, Lego và Bosch.

Về phía doanh nghiệp, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam và EU gặt hái được những “trái ngọt” nào nhờ EVFTA?

Những tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau của doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu có thể dễ dàng coi là “trái ngọt” của EVFTA. FTA thế hệ mới, với nội dung sâu rộng đã nâng cao uy tín của Việt Nam tại châu Âu.

Tôi có thể khẳng định điều này từ kinh nghiệm của bản thân trong khoảng thời gian thời gian quản lý Deutsche Bank Việt Nam từ năm 2009-2012 và thời gian tôi ở Việt Nam năm 2019-2024. Sự quan tâm đến Việt Nam ở quê hương tôi - nước Đức - tăng lên đáng kể từ khi EVFTA được phê chuẩn.

Không thể phủ nhận, khi đi trên “tuyến đường cao tốc” EVFTA, Việt Nam và EU vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Những khó khăn đó là gì?

Tất nhiên, khó khăn có thể nảy sinh trên con đường chung EVFTA. Đây là bản chất của sự việc, vì một mặt hoàn cảnh địa chính trị và kinh tế  toàn cầu có thể thay đổi, nhưng mặt khác các điều kiện khung ở từng quốc gia ký kết cũng có thể thay đổi.

Ví dụ, Việt Nam chắc chắn đã phát triển kinh tế hơn so với thời điểm bắt đầu đàm phán EVFTA vào khoảng năm 2010. Do đó, Việt Nam đang tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam hiện đang hoạt động kinh tế tích cực hơn trong EU so với trước đây, điều này khiến Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) càng trở nên hấp dẫn hơn, đồng thời, cũng nâng nền tảng của EVFTA lên một tầm cao mới.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, khó khăn đặt ra là Việt Nam chưa hiện diện đầy đủ trong giới kinh doanh châu Âu. Sự cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng rất cao. Các doanh nghiệp Việt Nam thậm chí còn phải đối mặt với những tiêu chuẩn cao của EVFTA hơn bao giờ hết. Sản phẩm của Việt Nam chủ yếu được bán ở một số quốc gia lớn trong EU như Hà Lan, Đức, Pháp và Italy nhưng lại chiếm thị phần tương đối nhỏ.

Đối với các doanh nghiệp châu Âu, họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như quy định phức tạp, việc chính quyền địa phương chưa tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và sự hiểu biết chưa đầy đủ của các bên liên quan về EVFTA. Những trở ngại kỹ thuật khác cũng đang cản trở thương mại bao gồm chứng nhận, thử nghiệm sản phẩm, các vấn đề về thông quan và định giá.

Tuy nhiên, các tổ chức như Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các phòng thương mại của châu Âu… có thể đóng góp quan trọng vào việc này. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng vượt qua những khó khăn phát sinh, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý tri thức.

Thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để cải thiện khó khăn, tận dụng triệt để lợi ích của EVFTA?

Điều mà Việt Nam vẫn có thể cải thiện để tận dụng tối đa EVFTA là nâng cao kiến ​​thức về các tiêu chuẩn của EU. Tại mục 13 của hiệp định EVFTA đề cập đến điều kiện làm việc và khía cạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Các quy định mới xuất hiện từ EU cũng cần được tính đến. Ví dụ như Luật thẩm định cung ứng của Đức - phù hợp với chỉ thị của EU - có thể gây thách thức cho đối tác kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt với những thay đổi này, nếu muốn tham gia quan hệ thương mại, kinh doanh với các doanh nghiệp châu Âu.

Tất nhiên, điều tương tự cũng xảy ra với phía châu Âu. Các thành viên EU cần hiểu biết sâu sắc hơn về thị trường Việt Nam để có thể thành công ở đây.

Ông nhận định thế nào về triển vọng ký kết EVIPA? Nếu được ký kết, cùng với EVFTA, hai Hiệp định này sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam và hợp tác đầu tư giữa hai bên?

Cả hai hiệp định EVFTA và EVIPA nên được coi là một thực thể thống nhất bởi thương mại và đầu tư thường đi đôi với nhau. Các công ty châu Âu đã đầu tư hoặc đang có ý định đầu tư vào Việt Nam cần có sự chắc chắn về mặt pháp lý của một hiệp định bảo hộ đầu tư.

Sau khi đầu tư vào Việt Nam, bước tiếp theo của doanh nghiệp tất nhiên là nhập khẩu một số hàng hóa nhất định. Doanh nghiệp châu Âu có thể sẽ ưu tiên nhập khẩu thành phẩm từ Việt Nam - nơi EVFTA đã có hiệu lực. Thương mại có thể mang lại động lực và thúc đẩy cho đầu tư.

Việc đàm phán và ký kết cả hai thỏa thuận đã và đang không hề dễ dàng. Với trường hợp của EVIPA, cũng có thẩm quyền xét xử ngoài lãnh thổ cần thiết đối với các tranh chấp giữa các công ty và nhà nước, qua đó cả EU và Việt Nam đều chuyển giao và nhượng lại một phần thẩm quyền của mình cho thế giới bên ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, các công ty EU đã “khởi xướng” 157 dự án mới tại Việt Nam vào năm 2023 và “rót” thêm 1834 triệu USD vốn đăng ký mới. Điều này đưa EU trở thành một trong 7 nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam vào năm 2023.

Các ngành được hưởng lợi chính từ FDI là thương mại và  khoa học công nghệ. Tổng vốn đầu tư tích lũy của EU vào Việt Nam lên tới khoảng 31 tỷ USD, trải rộng trên 2450 dự án.

Nói một cách ngắn gọn, ảnh hưởng của chính sách thương mại và đầu tư mở cửa đã được chứng minh là có tác động tích cực đến nền kinh tế của một quốc gia. Và tôi hy vọng rằng, EVIPA sẽ được ký kết và phê chuẩn nhanh chóng.

Nguồn: Đinh Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước