Hiệp định EVFTA

Cam kết đảm bảo phát triển bền vững

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bao gồm 17 Chương và các nội dung liên quan đến môi trường tại Chương 17 về Phát triển bền vững. Các cam kết và nghĩa vụ liên quan đến môi trường được thiết lập trong EVFTA nhằm tăng cường tính tương hỗ giữa chính sách về thương mại và môi trường, đảm bảo các hoạt động về thương mại, đầu tư sẽ không có tác động/ảnh hưởng tiêu cực tới vấn đề bảo vệ môi trường.

Như vậy, Việt Nam - EU đã thỏa thuận hướng đến một mục tiêu chung là thúc đẩy thương mại nhưng đảm bảo phát triển bền vững. Vì thế, các nghĩa vụ và điều kiện về môi trường là bắt buộc từ cả hai phía.

Xuất khẩu bền vững sang EU: Doanh nghiệp phải quan tâm đến môi trường
Xuất khẩu bền vững sang EU, việc quan trọng là phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Các cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA, theo các chuyên gia là sẽ có những tác động sâu sắc và toàn diện đến các hoạt động thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. Thực tiễn hiện nay, đã có nhiều quy định của EU tác động trực tiếp đến lợi ích thương mại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, như Quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Là thị trường lớn và tiềm năng, nếu không đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện khắt khe về môi trường nên hàng hóa không thể xâm nhập được thị trường EU. Theo đó, các doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa vào thị trường EU cần phải hiểu các quy định về môi trường, cần đầu tư nguồn lực cho quản lý và công nghệ.

Tại Hội thảo “Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam” vừa qua, Tổng thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - GS. Hoàng Xuân Cơ cho rằng, bên cạnh việc mở rộng thị trường, được hưởng các ưu đãi về thuế quan, việc tham gia vào EVFTA nói riêng và các hiệp ước thương mại nói chung còn góp phần hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu do gia tăng phát thải khí nhà kính, cạn kiệt tài nguyên rừng nguyên sinh và rừng tự nhiên, lạm dụng lao động trẻ em, xâm phạm tài nguyên của quốc gia khác hay cố tình trợ giá để hạ giá sản phẩm nhằm cạnh tranh không lành mạnh…

Ngoài ra, dù EVFTA mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam, tuy nhiên, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - GS. Hoàng Xuân Cơ nêu rõ, tuân thủ đầy đủ các cam kết đã khó, việc chứng minh cho việc tuân thủ cam kết cũng không phải điều dễ dàng. Chính vì lẽ đó, Việt Nam cần phải xây dựng kế hoạch, nghiên cứu kỹ các hoạt động chuyên môn có thể làm rõ mức tuân thủ của quốc gia mình.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Môi trường - PGS.TS Trương Mạnh Tiến cũng nhấn mạnh, các quy định về môi trường là hàng rào lớn trong việc đưa các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu. Do đó, thực hiện cam kết về môi trường trong các FTA vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời cũng chính là quyền lợi của Việt Nam.

Tuân thủ đầy đủ các cam kết

Theo GS. Hoàng Xuân Cơ, để khai thác tối đa những lợi ích khi tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam cần xác định rõ trách nhiệm của từng bên để tìm ra các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả, bám sát với điều kiện thực tế. Cụ thể, về phía cơ quan nhà nước cần nắm rõ nội hàm của Hiệp định, các quy định cần tuân thủ để cụ thể hóa thành chủ trương chính sách thực hiện.

Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ giám sát đủ mạnh, đồng thời trang bị các phương tiện hiện đại để theo dõi và cảnh báo kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần có mối liên hệ chặt chẽ với bà con nông dân nhằm kiểm soát tối đa việc thực hiện các cam kết về phạm vi đánh bắt, khai thác; cách bảo quản và không thải rác nhựa ra biển…

Đề cập đến cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) của EU, Giám đốc Trung tâm WTO - VCCI Nguyễn Thu Trang cho biết, lộ trình của CBAM được chia theo từng giai đoạn với từng mục tiêu chi tiết: Giai đoạn chuyển tiếp (10/2020 - 12/2025), khai báo mức độ phát thải của hàng hóa nhập khẩu; giai đoạn vận hành chính thức (1/2026 - 12/2033), nhà xuất khẩu khai báo và xuất trình chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải ròng vượt hạn ngạch; giai đoạn vận hành đầy đủ (1/2024 trở đi), khai báo và xuất chứng chỉ CBAM cho lượng phát thải ròng carbon.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, trong tương lai, EU có khả năng sẽ mở rộng danh sách sản phẩm có nguy cơ phát thải cao dựa trên cơ sở kết quả đánh giá việc thực thi CBAM hiện tại (năm 2030). Bởi vậy, các doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng đắn về việc đưa ra các minh chứng về lượng phát thải carbon khi gia nhập vào thị trường EU.

Đến nay, Hiệp định EVFTA đã có 3 năm thực thi. Kết quả ban đầu cho thấy kỳ vọng về sự tăng trưởng thương mại Việt Nam EU đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trong lộ trình thực thi EVFTA, những lợi thế và kết quả này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng các yêu cầu về chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững… Thực tế này đang đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để thích ứng với “luật chơi” mới này.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, EVFTA không phải là hiệp định thương mại thông thường mà đây là một hiệp định có yếu tố rất quan trọng về phát triển bền vững. Bởi vì chúng ta đều biết EU rất quan tâm đến việc phát triển bền vững. “Cho nên các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU một cách bền vững cần hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, quan tâm vấn đề môi trường, quan tâm đến lao động”- ông Ngô Chung Khanh khuyến nghị.

Từ những thách thức đặt ra trong thực thi cam kết môi trường, các doanh nghiệp được khuyến nghị rằng, để tiếp tục duy trì chỗ đứng trên thị trường EU, cũng như mở rộng và phát triển hàng hóa, dịch vụ sang thị trường các nước phát triển, việc quan trọng là phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường của các nước, thị trường phát triển; quan tâm, chú trọng thực hiện các giải pháp về quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn cao liên quan đến môi trường của EU.

Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT