Hiệp định EVFTA

Không có lời giải chung để đáp ứng các quy định trong Thỏa thuận xanh EU, mỗi doanh nghiệp dệt may cần căn cứ trên quy mô, khách hàng và chọn điểm rơi thích hợp

Nhiều thách thức đang chờ doanh nghiệp

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam khi chiếm 10-15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA) 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi có hiệu lực. Đây là động lực lớn cho ngành dệt may tăng thị phần xuất khẩu sang thị trường này.

Quan trọng hơn, Hiệp định EVFTA với quy tắc xuất xứ “từ vải” sẽ tiếp tục thúc đẩy hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ đầu nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giảm dần sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu bên ngoài.

Quy tắc xuất xứ từ vải của Hiệp định EVFTA dù được nhận định dễ thở hơn nhiều so với quy tắc xuất xứ từ sợi của Hiệp định CPTPP nhưng vẫn là thách thức lớn mà doanh nghiệp dệt may trong nước đang nỗ lực vượt qua.

Đáp ứng Thỏa thuận xanh EU: Doanh nghiệp dệt may cần chọn điểm rơi thích hợp
Đáp ứng Thỏa thuận xanh EU: Doanh nghiệp dệt may cần chọn điểm rơi thích hợp

Ông Vương Đức Anh- Chánh văn phòng HĐQT- Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, cộng hưởng cùng thách thức đó, EU đang dần luật hóa chính sách phát triển bền vững, trong đó có Thỏa thuận xanh EU cũng thêm phần khó khăn cho ngành.

Dệt may là một trong số nhóm ngành sớm chịu tác động từ Thỏa thuận xanh EU, nguyên nhân đây là ngành đứng thứ 4 về tạo ra rác thải tại EU.

Trong Thỏa thuận xanh EU, một số quy định tác động trực tiếp tới doanh nghiệp dệt may Việt Nam, như quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã được Ủy ban EU thông qua vào tháng 7/2023. Nội hàm của quy định này là yêu cầu nhà sản xuất tạo ra chất thải trả một khoản phí để EU thu gom và xử lý rác thải, phân loại tái sử dụng, tái chế.

Doanh nghiệp Việt Nam là nhà sản xuất thứ 3 đưa hàng vào EU cũng là một đối tượng tạo ra rác thải nhưng không phải một mình chịu chi phí, bên cạnh chúng ta còn có nhà đặt hàng, nhà phân phối… cũng nằm trong chuỗi tạo ra rác thải tại EU. Do vậy Việt Nam chưa hẳn đã gặp khó với quy định này”, ông Vương Đức Anh nói.

Một quy định nữa là Cơ chế thuế biên giới các bon (CBAM), mục tiêu của CBAM để tạo sự công bằng giữa nhà sản xuất tại EU và nhà sản xuất bên ngoài đưa hàng vào EU. “Các quốc gia đưa hàng vào EU nếu không có cơ chế đánh thuế carbon được EU thừa nhận thì hàng đưa sang EU bị áp 100% thuế. Giả sử chúng ta có cơ chế thu thuế trong thời gian tới thì sẽ được trừ bớt”, đại diện Vinatex cho hay.

Hiệp định EVFTA chúng ta đàm phán mãi mới có được mức thuế giảm từ 9,6% xuống dần trong năm tới còn 2%, trong khi đó riêng CBAM nếu sau này có hiệu lực gây tăng chi phí rất lớn. Theo tính toán, thuế carbon sẽ chiếm khoảng 30-40% chi phí gia công của hàng may mặc. Đây là tác động rất rõ rệt nhất của quy định này”, ông Vương Đức Anh bày tỏ.

Quy định báo cáo phi tài chính liên quan đến yếu tố lao động, môi trường, quản trị dù hiện tại mang tính tự nguyện nhưng phải được kiểm toán cũng đặt thêm trách nhiệm với các nhà sản xuất như Việt Nam.

Không có đáp án chung

Câu chuyện xanh hóa với ngành dệt may thể hiện ở 2 yếu tố nhà máy xanh và sản xuất xanh. Nhà máy xanh – nhà máy áp dụng tiêu chuẩn xanh của Mỹ nhưng đây không phải là yêu cầu bắt buộc của nhà mua hàng mà áp dụng tự nguyện (đầu tư nhà máy xanh tăng 15-20% chi phí so với nhà máy thông thường). Sản phẩm xanh là từ nguyên liệu đầu vào tới sản xuất ra sản phẩm tái chế, cao hơn tái chế là tuần hoàn.

Mục tiêu của EU đến năm 2030 ngành thời trang nhanh không còn là mode, giảm các bộ sưu tập, tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may bền hơn, tuần hoàn và giá cao hơn.

Ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của người mua. Các nhà mua hàng của EU cũng phải đáp ứng theo chiến lược chung và hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ. Là nhà sản xuất doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt để đáp ứng và duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng.

Trong việc đáp ứng các quy định xanh cũng như Thỏa thuận xanh EU, ông Vương Đức Anh cho rằng, không phải vấn đề tiền mà mấu chốt là xác định đúng nhu cầu, xác định đúng thời điểm đầu tư. Đầu tư ở thời điểm sớm sẽ lãng phí nguồn lực, đầu tư chậm bị loại khỏi chuỗi cung ứng.

Đứng dưới áp lực để chọn điểm rơi thích hợp là vấn đề khó nhưng không có một đáp án chung mà căn cứ vào nhà mua hàng và chiến lược phát triển riêng để doanh nghiệp xác định nhu cầu”, đại diện Vinatex nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Vinatex, Việt Nam có lợi thế nhất định trong việc đáp ứng các quy định xanh. Bởi lẽ, áp lực đầu tiên sẽ đè lên các quốc gia có nền sản xuất nguyên liệu lớn, phải chuyển sang sản xuất theo yêu cầu mới với vật liệu tái chế. Doanh nghiệp Việt Nam đi sau có cơ hội để đầu tư đúng, đáp ứng nhu cầu.

Riêng với Vinatex, Tập đoàn hiện đã sản xuất sợi tái chế, chiếm 20% tổng sản lượng, một phần sợi tái chế được dùng để sản xuất hàng thể thao dệt kim.

Thục Uyên, Văn phòng TBT