Những kết quả tích cực mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại trong hơn 3 năm thực thi vừa qua đối với hoạt động thương mại, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU đã được khẳng định rõ ràng. Không chỉ hưởng lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ EU; đồng thời đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để ứng dụng các giải pháp hiện đại vào sản xuất kinh doanh, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp EU.
Đối với thị trường Hungary, trong thời gian qua, kinh tế thương mại hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc và cộng đồng doanh nghiệp hai bên đã tận dụng được lợi thế của EVFTA.
Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Hungary cho biết, so cùng kỳ năm trước, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hungary trong 10 tháng năm 2023 đạt 744,29 triệu USD, giảm 25,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 351,57 triệu USD, giảm 25,1%; nhập khẩu đạt 392,72 triệu USD, giảm 22,7%.
Theo số liệu thống kê của Hải Quan Việt Nam, so cùng kỳ năm trước, trong 10 tháng năm 2023, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 159,81 triệu USD, giảm 48%, chiếm tỷ trọng (45,5%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 62,78 triệu USD, tăng 12,1%; nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 6,87 triệu USD, tăng 65,7%; cà phê đạt 5,18 triệu USD, tăng 60,9%; nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 1,26 triệu USD, giảm 29,7%; nhóm hàng giầy dép đạt 1,38 triệu USD, tăng 36,2%; nhóm hàng dệt may đạt 1,03 triệu USD, tăng 16,9%; nhóm hàng hóa khác đạt 113,25 triệu USD, tăng 1,2%.
"Tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng linh kiện điện tử là nguyên nhân chính khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary giảm trong 10 tháng năm 2023" - Thương vụ nhận định và lý giải, đây là nhóm hàng chủ lực của Việt Nam, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất trong xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với sự tác động của thời kỳ hậu Covid-19 cũng như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, nền kinh kế Hungary đang trong giai đoạn suy thoái, lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, sản xuất trong nước cũng giảm, trong đó có lĩnh vực điện tử, nên nhu cầu nhập khẩu của nước này đối với nhóm hàng linh kiện điện tử giảm.
Về nhập khẩu, so với cùng kỳ năm trước, nhóm hàng chiếm kim ngạch nhập khẩu cao nhất của Việt Nam từ Hungary trong 10 tháng năm 2023 là thức ăn gia súc và nguyên liệu, đạt 135,5 triệu USD, giảm 58%; tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 127,55 triệu USD, tăng 33,6%; dược phẩm đạt 30,19 triệu USD, tăng 35,7%; nhóm hàng hóa khác đạt 99,48 triệu USD, tăng 47%.
Mặc dù kim ngạch còn thấp, nhưng theo Thương vụ Việt Nam tại Hungary, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như hạt điều, hạt tiêu, cà phê… xuất khẩu sang Hungary chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Hungary (trên 10%). Điều này cho thấy, các mặt hàng này đang có chỗ đứng nhất định tại thị trường sở tại. Đây là cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Hungary.
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã và đang tiếp tục mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương mại hàng hóa và đầu tư tại thị trường EU nói chung và Hungary nói riêng trong thời gian tới và ngược lại.
Mặc dù có nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác song phương, song theo Thương vụ Việt Nam tại Hungary, do đặc tính thị trường, thói quen tiêu dùng, nền tảng của thị trường truyền thống nên bạn hàng lớn nhất của Hungary trong cả xuất khẩu và nhập khẩu đều là EU, chiếm trên 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
"Phần lớn thị trường Hungary bị chi phối bởi các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn, nhà phân phối, bán lẻ quốc tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Hungary đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thông thường họ lấy lại hàng Việt Nam từ các nhà phân phối lớn của châu Âu rồi phân phối lại tại Hungary" - Thương vụ phân tích và cho biết, do mức độ nhỏ lẻ, khả năng tài chính yếu nên việc các doanh nghiệp Hungary nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam sang nước này còn hạn chế.
Ngoài ra, vị trí địa lý cũng là rào cản trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường này. Hungary không có cảng biển, hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Hungary đều cập cảng tại một số nước châu Âu có cảng biển như Đức, Hà Lan, Italia... sau đó đưa về Hungary bằng đường bộ, dẫn đến chi phí hàng nhập khẩu vào Hungary cao hơn.
Mặt khác, do thuế VAT ở Hungary rất cao (27%), nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Việt Nam nhưng làm thủ tục thông quan tại một số nước EU có cảng biển hoặc nơi có thuế VAT thấp, sau đó mới phân phối tại Hungary.
Thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hungary, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho rằng, giải pháp hiệu quả, thiết thực vẫn là tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Hungary nghiên cứu thị trường, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác sở tại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư; tổ chức và tham gia các buổi hội thảo doanh nghiệp để quảng bá hàng xuất khẩu của Việt Nam, kết nối kinh doanh, đầu tư; tổ chức các chương trình trưng bày, quảng bá hàng xuất khẩu Việt Nam; chủ động tìm kiếm các nhà nhập khẩu, phân phối sở tại giới thiệu cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và ngược lại.
Với EVFTA, để tận dụng tốt hơn những lợi thế từ Hiệp định từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, Thương vụ lưu ý, Hungary nằm trong khối Liên minh châu Âu, do vậy, thị trường này có những đòi hỏi, quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, môi trường, xã hội, lao động... Đặc biệt, hàng hóa cần phải đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng mới giữ được uy tín của doanh nghiệp với đối tác. Do vậy, Thương vụ khuyến cáo, các doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu thật kỹ về thị trường, thấu hiểu văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường; trong đó, chú trọng nâng cao trình độ quản trị và đặc biệt phải quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, truy xuất xuất xứ của hàng hóa...
TS. Đào Văn Cường - Bộ Nông nghiệp