Các cơ quan xúc tiến thương mại đã và sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hà Lan nói riêng, EU nói chung.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết: Trong năm 2023, Thương vụ đặt trọng tâm vào việc xúc tiến đưa hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đạt chuẩn vào kênh phân phối lớn của Hà Lan thông qua việc kết nối trực tiếp nhà nhập khẩu với chuỗi phân phối, tổ chức hoạt động “Ngày Việt Nam”, “Tuần hàng Việt Nam” tại các siêu thị Hà Lan, hoạt động “Quảng bá nông sản Việt” tại Lễ hội đoàn ngoại giao tại The Hague.
Cùng đó, theo kế hoạch đặt ra của các địa phương, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan sẽ phối hợp với tỉnh Hà Nam, Bến Tre, Đà Nẵng, Bình Dương… tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tại Hà Lan. “Để các hoạt động này diễn ra đạt hiệu quả tốt, đề nghị các đoàn chuẩn bị tài liệu về địa phương đầy đủ, súc tích bằng tiếng Anh, trong đó nêu bật thế mạnh địa phương để doanh nghiệp Hà Lan nắm bắt nhanh chóng. Nếu có đưa sản phẩm đi giới thiệu cần đầu tư bài bản cả về chất lượng, mẫu mã và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh”, bà Võ Ngọc Diệp nói.
Để hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, không chỉ Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan mà Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng đã bắt tay triển khai những hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường này.
Tại lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại với Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan và sàn thương mại điện tử MISSLINH gần đây, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay: Việc ký kết thoả thuận hợp tác sẽ giúp các bên thiết lập cơ chế triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia hiệu quả các hoạt động xúc tiến xuất khẩu thông qua môi trường số, kết nối giao thương với doanh nghiệp Hà Lan, góp phần đưa thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Hà Lan và xa hơn là thị trường EU.
Hà Lan được xem là “cửa ngõ” của EU khi 1/3 khối lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ đi qua nước này. Hà Lan còn đóng vai trò là điểm kết nối trọng yếu giữa các cảng, khu công nghiệp của EU và thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam và EU đã ký hiệp định thương mại tự do, theo đó, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%. Như vậy, hàng hóa Việt Nam vào Hà Lan sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn với các đối thủ.
Dù có nhiều cơ hội để thâm nhập thị trường, tuy nhiên bà Võ Thị Ngọc Diệp cũng lưu ý: Năm 2023, EU tập trung sửa đổi rất nhiều các quy định về hàm lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật MRL. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam vào thị trường Hà Lan, EU cần thường xuyên theo dõi, kịp thời kiểm tra, giám sát, điều chỉnh hàng hóa cho phù hợp quy định.
Cụ thể, ngày 3/3/2023, EU ban hành Quy định mới số (EU) 2023/465 quy định MRL ascen đối với gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, thực phẩm dinh dưỡng trẻ em, nước hoa, hoa quả, sản phẩm hoa quả cô đặc, muối. Ngưỡng MRL ascen dao động từ 0,01 đến 0,15 mg/kg sản phẩm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 26/3/2023.
Quy định mới số (EU) 2023/466 quy định MRL đối với hoạt chất isoxaben, novaluron và tetraconazole trong hoặc trên một nông sản thực phẩm bao gồm các nhóm rau, củ, quả tươi và đông lạnh; nhóm các loại hạt, điều cà phê, chè; nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn thịt các loại, trứng sữa, mật ong… Mức MRL các hoạt chất trên các loại sản phẩm khác nhau từ 0,01 mg/kg. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 26/9/2023.
Ngoài ra, để nông sản, thực phẩm của Việt Nam thâm nhập thành công và có vị trí bền vững tại thị trường Hà Lan, theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu hàng hóa là cần thiết. Cần sự chung tay của nhiều doanh nghiệp trong cùng một nhóm ngành hàng mới đủ lực để xây dựng, định vị thương hiệu Việt tại thị trường Hà Lan.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đưa ra chiến lược để nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh thay vì bán thô và hạ giá, ký gửi sản phẩm; đồng thời cần thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát các mối nguy trong toàn bộ chuỗi sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của từng mặt hàng mà nước này yêu cầu.
Xuân Tâm, Cục PVTM