Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, năm 2023 nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế xuất 0% nhưng chi phí tiếp cận thị trường lại tăng.
Năm 2023 kinh tế EU được dự báo chỉ tăng trưởng 0,5% so với 2% của năm 2022, lạm phát vẫn ở mức cao khoảng 7,0% ở EU và 6,1% ở khu vực đồng euro. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, đồng nghĩa gây khó cho các quốc gia xuất khẩu hàng hoá vào EU, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, năm 2023 ước tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và EU tăng khoảng 24%, đạt 80,1 tỷ USD. Con số tuy cao nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng năm 2022 với 31%.
Bên cạnh yếu tố vĩ mô, những thay đổi theo hướng khắt khe trong chính sách ngoại thương của EU cũng là nguyên nhân gây khó cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị thị trường này.
Nói về điều này, ông Trần Ngọc Quân- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay: Ngay trong tháng 1/2023, EU đã đưa ra lịch trình cho Kế hoạch đưa ra quy định về trách nhiệm đến hạn, trong đó yêu cầu tất cả các đối tác xuất khẩu vào EU tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường, lao động. EU cũng dự kiến đưa ra chính sách về chống phá rừng, cân bằng chuyển đổi cac bon… quy định này liên quan trực tiếp tới nhiều mặt hàng như cà phê, đồ gỗ nội thất, sắt thép, phân bón, hoá chất…
Chính sách Greendeance (tăng trưởng xanh) sẽ được đẩy mạnh trong 6 tháng đầu năm, tập trung vào giảm phát thải từ các ngành hàng liên quan đến thời trang như dệt may, da giày , linh kiện điện tử. Đồng thời, EU cũng đẩy mạnh kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại và chống lợi dụng các hiệp định thương mại tự do của EU. “Những động thái này sẽ tạo khó khăn cho các nước tiếp cận thị trường EU, trong đó có Việt Nam”, ông Trần Ngọc Quân nói.
Ngày 27/1/2023, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Theo đó, đối với Việt Nam, ớt tiếp tục nằm trong danh mục kiểm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Tuy nhiên, đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Thanh long và mỳ tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu), định kỳ 6 tháng 1 lần Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu họp để xem xét đánh giá mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của các quốc gia xuất khẩu vào EU. Sau đó EU sẽ thông báo những thay đổi trong quy định về các biện pháp kiểm soát. “Những biện pháp này là bình thường tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU nên kiểm soát sản không để vi phạm, bởi chỉ một vài doanh nghiệp vi phạm sẽ ảnh hưởng đến cả ngành hàng và ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý lưu ý.
Các nước thành viên EU, trong đó có Nauy đang tăng cường thực hiện chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh EU theo quy định 2022/745 ngày 13/5/2022. Theo đó, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt hàng cam, táo, chuối, kiwi, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, sữa bò, gạo xát vỏ… ngoài việc bị kiểm tra ở cửa khẩu sẽ bị hậu kiểm ngẫu nhiên hàng tại các siêu thị.
Xuất khẩu sang thị trường EU sẽ tiếp tục khó trong năm 2023 là dự báo đã được đưa ra, tuy nhiên Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU) bước sang năm thứ 3 có hiệu lực được xác định là đối trọng giúp xuất khẩu Việt Nam khắc phục khó khăn.
Theo lộ trình đã cam kết, năm 2023 nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%. Mặt khác, Việt Nam là một trong 4 nước có hiệp định thương mại với EU ở khu vực châu Á. Chính sách thương mại của EU đang tập trung vào các quốc gia này để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nội địa. Đây là những yếu tố sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang EU.
Tuy nhiên, thuế giảm bao nhiêu chi phí tiếp cận thị trường lại tăng bấy nhiêu, các chuyên gia nhận định: Cơ hội dù rộng mở nhưng cánh cửa thị trường đang khép lại, Chính phủ, Bộ Công Thương cần nghiên cứu có đối sách hợp lý. Doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng cần có chiến lược sản xuất, sản phẩm, kinh doanh cho phù hợp để vượt qua rào cản, tiếp cận lợi ích mang lại từ hiệp định.
Với kinh nghiệm thực tế từ thị trường sở tại, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Thuỵ Điển đề nghị: Vận tải hàng không từ Việt Nam sang EU chi phí còn rất cao, thiệt thòi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản, các cơ quan trong nước cần có biện pháp hỗ trợ thiết thực.
Doanh nghiệp trong nước cần tham gia tích cực hơn các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất xanh và phát triển bền vững để bắt nhịp chính sách thương mại của EU.
Bộ Công Thương làm việc với cơ quan hải quan có giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải quyết thủ tục trong trường hợp hàng bị thu hồi và tái xuất về Việt Nam để doanh nghiệp trong nước sớm hoàn tiền cho đối tác. Tránh ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp và hàng hoá của Việt Nam.
Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn