Hiệp định EVFTA

Thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đã tác động tích cực đến vấn việc làm và thu nhập của người lao động.

Chuyên gia về lao động, việc làm Lê Quang Trung đã trao đổi với Báo Công Thương về tác động của Hiệp định EVFTA tới lao động, việc làm.

Hiệp định EVFTA đang tác động tích cực đến việc làm, thu nhập của người lao động
Hiệp định EVFTA tác động tích cực đến việc làm, lao động

Việc tham gia ký kết Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế Việt Nam, đồng thời tạo ra những cơ hội việc làm mới cho người lao động, từ góc độ chuyên gia ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, chúng ta nhận thấy rõ rằng, cơ hội để Việt Nam xuất khẩu hàng hoá, sản phẩm sang thị trường EU đang được mở rộng rất lớn. Từ sự sôi động của hoạt động xuất khẩu hàng hóa đồng thời đã tác động tích cực đến vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động.

Cụ thể, quá trình thực hiện Hiệp định EVFTA, các lĩnh vực liên quan đển vận chuyển, nhóm ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu sang EU, nhất là những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động đã tạo nhiều công ăn việc làm như: Dệt may, da giày, logistics. Đồng thời, việc tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của các ngành nghề này đã gián tiếp cải thiện thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, nếu những ngành nghề thâm dụng lao động phát triển thì lao động nữ sẽ có lợi thế hơn trong việc có việc làm ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, từ yêu cầu cao của thị trường cũng như các quy định trong cam kết với đối tác EVFTA, người lao động trong các lĩnh vực sản xuất có cơ hội nâng cao trình độ của mình để đáp ứng yêu cầu mới. Thực thi EVFTA cũng là cơ hội cho những người lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao và những người lao động được đào tạo có thêm cơ hội việc làm đúng khả năng, trình độ và thu nhập cũng sẽ tương xứng hơn.

Hiệp định EVFTA đang tác động tích cực đến việc làm, thu nhập của người lao động
Chuyên gia về lao động, việc làm Lê Quang Trung

Theo tính toán, tác động của EVFTA sẽ tạo thêm việc làm ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Trong đó, EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146 nghìn việc làm cho giai đoạn 2022-2025, bình quân khoảng 36,5 nghìn người/năm (tăng 0,059% so với kịch bản không có EVFTA). Từ góc độ chuyên gia, ông có ý kiến gì về dự báo này?

Cá nhân tôi thấy rằng, con số này vẫn còn khiêm tốn. Bởi nếu chúng ta tính cả lao động việc làm trực tiếp và gián tiếp thì bình quân mỗi năm có thể có trên 100 nghìn lao động được tạo ra từ Hiệp định EVFTA nhờ tăng trưởng về xuất khẩu hàng hóa của các lĩnh vực, ngành hàng.

Như vậy nếu chúng ta tận dụng tốt Hiệp định EVFTA thì chúng ta sẽ giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lực lượng lao động. Tuy nhiên, để đạt con số đó chúng ta phải đẩy mạng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động đáp úng nhu cầu sản xuất, chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Quá trình thực thi EVFTA, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Theo ông doanh nghiệp đã có sự nỗ lực như thế nào để duy trì việc làm cho người lao động?

Hơn hai năm qua dịch Covid-19 bùng phát đã tác động mọi mặt của cuộc sống. Trong đó, do khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến 30-40%. Khó khăn này buộc doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tuy vậy có không ít doanh nghiệp nỗ lực sắp xếp lại lao động, bố trí việc làm tạm thời, linh động các giải pháp để hỗ trợ người lao động, nhất là để giữ chân người lao động khi kinh tế phục hồi.

Ngoài ra, theo tôi các doanh nghiệp cũng đã cố gắng hết sức trong liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm các cơ hội thị trường để nhanh chóng phục hồi sản xuất khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, cơ bản doanh nghiệp và những người lao động đã vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì, đảm bảo dòng chảy sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU, qua đó giữ được việc làm cho người lao động. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh các hoạt đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người lao động để chờ đón những đơn hàng mới, cũng như kỳ vọng sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Hiện tại, dù đang xuất hiện những khó khăn mới, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, lao động lại tiếp tục đối diện khó khăn do tình trạng thiếu việc làm, song hy vọng tình trạng này sẽ sớm được khắc phục.

Để thực hiện các cam kết về lao động, cũng như các yêu cầu trong EVFTA thì thời gian tới các cơ chế chính sách về lao động cần phải tiếp tục cải thiện như thế nào cho phù hợp, thưa ông?

Việt Nam là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế, và đến nay cúng ta đã gia nhập 25 công ước, trong đó, có tới 7/8 công ước cơ bản chúng ta đã ký kết gia nhập và hướng tới từng bước gia nhập 15 công ước nữa. Ngoài ra, hiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm của Việt Nam trong những năm vừa qua đã liên tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo được các tiêu chuẩn của các công ước, tiêu chuẩn của các luật về lao động. Như Luật An toàn lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm…là cơ sở pháp lý đảm bảo các tiêu chuẩn và quyền lợi của người lao động.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các văn bản dưới luật, hướng dẫn luật cũng được ban hành hướng dẫn kịp thời. Trên cơ sở quy định của pháp luật, cộng đồng doanh xuất khẩu đã thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử về lao động, việc làm. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã có những chế độ, thỏa ước từ đó thu hút, hấp dẫn người lao động tham gia, đồng hành.

Tuy nhiên, hiện nay các chính sách về lao động, việc làm cũng cần bắt kịp với những vấn đề mới phát sinh. Đơn cử, trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 vừa qua nhiều doanh nghiệp triển khai làm việc từ xa, song hoạt động này chưa được quy định rõ ở bất kỳ bộ luật nào của nhà nước. Vì thế, cần có sự bổ sung quy định kịp thời với các hình thức việc làm mới nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người lao động.

Bên cạnh đó, Nhà nước đẩy mạnh các chương trình, hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Như, phía nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp (đơn vị sử dụng lao động) và người lao động để đào tạo nâng cao trình độ, giữ chân người lao động, chia sẻ với người lao động khi gặp khó khăn. Còn đối với người lao động cũng cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để nâng cao trình độ, bởi hơn ai hết nâng cao trình độ là cơ hội để người lao động cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của doanh nghiệp về tay nghề, kỹ năng trong tình hình mới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho người lao động. Ngoài những quy định cứng theo pháp luật, chúng ta nên có những quy định mềm trong thỏa ước về lao động tập thể, những quyền lợi của người lao động; động viên khuyến khích người lao động bằng nhiều hình thức, vật chất, tinh thần để làm sao tạo ra động lực cho người lao động an tâm, cống hiến, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, vươn xa, hội nhập với sân chơi kinh tế toàn cầu.

Xuân Tâm, Bộ Công Thương