Hiệp định EVFTA

Ủy ban châu Âu đã đề xuất Chiến lược dệt may mới, được nhận định sẽ là thách thức lớn với doanh nghiệp và hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, thông tin: Cuối tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược dệt may mới. Chiến lược này bao gồm nhiều yếu tố khó, như: Các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để có thể sử dụng lâu hơn, được sửa chữa và tái sử dụng. Ủy ban châu Âu cũng trình bày bản sửa đổi Quy định thiết kế sinh thái, đặt ra các yêu cầu pháp lý đối với những nhóm sản phẩm khác nhau, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo tiêu chí thiết kế sinh thái.

Ngoài các tiêu chí thiết kế, quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số; ngoài thông tin thông thường, còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa, thành phần sợi. Các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết được tác động của sản phẩm đến môi trường khi mua hàng…

Ngành dệt may: Đối diện thách thức mới

Doanh nghiệp dệt may cần nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn

“Quy định thiết kế sinh thái cuối cùng phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, dự kiến vào cuối năm 2023, trước khi các tiêu chí đầu tiên cho các nhóm sản phẩm khác được xác định, dự kiến vào năm 2024” - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cập nhật thông tin. Trong năm nay, Ủy ban châu Âu sẽ thành lập diễn đàn các bên liên quan để thảo luận chi tiết về Chiến lược dệt may.

Chiến lược dệt may mới theo đề xuất của Ủy ban châu Âu là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn về một nền kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam - cho rằng, chiến lược này rất khó và sẽ tác động tới hoạt động xuất hàng dệt may Việt Nam sang EU. Điều này buộc doanh nghiệp dệt may trong nước phải thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ngành dệt may Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với mô hình kinh tế tuần hoàn. Từ năm 2017, ngành đã thành lập Ủy ban Phát triển vền vững về môi trường và lao động, phối hợp với nhiều tổ chức trên thế giới để triển khai thực hiện. Qua thực tế triển khai, ngành dệt may đang gặp nhiều vấn đề, trong đó, nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu là hạn chế lớn, tỷ lệ nội địa hóa của ngành hiện mới đạt 30 - 35%. Đồng thời, chưa có quy hoạch không gian phát triển các khu công nghiệp lớn, có xử lý nước thải tập trung. Nhiều địa phương vẫn không “mặn mà” với việc cấp phép các dự án dệt, nhuộm. Chi phí cho phát triển bền vững tăng cao nên nhiều doanh nghiệp chưa quyết tâm hoặc chưa đủ nguồn lực cũng là thách thức lớn.

Để doanh nghiệp xây dựng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, đáp ứng và thích nghi với Chiến lược dệt may mới của EU, ông Trương Văn Cẩm cho rằng: Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn; tìm hiểu kỹ những thách thức và cơ hội khi đổi mới hoạt động kinh doanh sang mô hình tuần hoàn. Đồng thời, có bước đi thích hợp tập trung vào những khâu có thế mạnh, như: Tuần hoàn nước, điện áp mái... Đặc biệt, cần tính toán lợi ích - chi phí, lộ trình chuyển đổi cho phù hợp…

Chiến lược dệt may mới là một hành động của EU vì mục tiêu loại bỏ văn hóa “tiêu thụ và vứt bỏ”, các sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế “tạo rác”.
Xuân Hải, Văn phòng BCĐLNKT