Hiệp định EVFTA

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu và xúc tiến thương mại, đầu tư với đối tác EU.

Chiều 29/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ thị trường Châu Âu - châu Mỹ, Bộ công Thương phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU.

Phát biểu online từ đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA chính thức có hiệu lực có thể thấy quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU với những kết quả đáng ghi nhận.

EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU (năm 2021- theo Eurostat).

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm thứ hai thực thi EVFTA (từ tháng 8/2021 – 7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, EU nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam đạt giá trị 27,9 tỷ EUR, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, EU cũng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với kim ngạch đạt 6,9 tỷ EUR, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việt Nam – EU hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng bền vững
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU

Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai Bên. Đáng chú ý, 8 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%) mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, điển hình như: dược phẩm (tăng 7,6%), hóa chất (102%), gỗ & sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc (15,5%), sữa & sản phẩm sữa (29,1%), chế phẩm thực phẩm khác (45,3%) và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU; đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.

Về đầu tư, với cam kết mạnh mẽ đảm bảo tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai Bên. EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD lũy kế đến tháng 8 năm 2022. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới.

“Rõ ràng đây là những tín hiệu đáng mừng và sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời là cơ sở để chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - EU trong thời gian tới với đòn bẩy từ EVFTA và tới đây là EVIPA”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Hiện Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại, đầu tư với đối tác EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương và bước đầu tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.

Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm hỗ trợ mở rộng thị trường và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với EU cũng như các nước thành viên, tạo tiền đề rất lớn để thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương, không chỉ giới hạn trong thương mại, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế khác.

Về phía EU, EU cũng đang tích cực đa dạng hóa đối tác, xây dựng nguồn cung ứng bền vững để đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng; đồng thời chủ trương đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đang có lợi thế cạnh tranh từ Hiệp định EVFTA.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, EVFTA là ưu thế lớn của Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU, trong ASEAN chỉ có Việt Nam và Singapore. EVFTA không chỉ đem lại cho Việt Nam cơ hội về mở rộng, đa dạng hóa thị trường; mà quan trọng hơn là hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và tận dụng hợp tác với EU trong những lĩnh vực mới và quan trọng như chuyển đổi xanh & số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… Đây là những lĩnh vực thế mạnh và ưu tiên phát triển trong chính sách của EU, đồng thời cũng phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi lộ trình tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững của quốc gia. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, nguồn lực nhà nước đóng vai trò định hướng qua đó dẫn dắt và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Nguồn lực bên ngoài đóng vai trò bổ trợ rất quan trọng từ cả góc độ vốn, công nghệ và tư vấn chính sách.

Với lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, bao gồm cả vấn đề sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh bền vững, cùng có lợi với EU.

Chính phủ Việt Nam hiện đang tích cực xây dựng và triển khai các định hướng, giải pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt với tình hình mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chú trọng chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vĩ mô, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trước những thời cơ và thách thức đan xen, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nhanh chóng thích nghi và phát triển theo lộ trình xanh và bền vững. Đây là con đường bắt buộc để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Theo đó, doanh nghiệp cần nỗ lực xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội cần phải được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Việt Nam sẽ lựa chọn những doanh nghiệp thực sự có thực lực và quyết tâm cao để kết nối đối tác với các doanh nghiệp châu Âu.

Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước