Hiệp định EVFTA

EVFTA được nhận định sẽ mở ra cơ hội lớn trong nhiều lĩnh vực, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Hoàn thiện thể chế, tuyên truyền, phổ biến để hiểu rõ cam kết, nâng cao giá trị thương hiệu, nâng cấp quản trị doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực,… là một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ cả hai phía, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, nhằm tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA và IPA mang lại khi các hiệp định này có hiệu lực thực thi.

a) Đối với cơ quan quản lý Nhà nước

EVFTA mới được ký kết ngày 30/6/2019. Dự kiến một Kế hoạch thực hiện EVFTA sẽ được xây dựng nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác để triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định này. Kế hoạch thực hiện này cơ bản sẽ tương tự các kế hoạch triển khai các FTA đã có hiệu lực của Việt Nam, đặc biệt là kế hoạch thực hiện CPTPP.

Để chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng cho việc triển khai các cam kết của EVFTA, các Bộ ngành đã và đang phối hợp chặt chẽ trong công tác rà soát pháp lý, xây dựng pháp luật, thông tin tuyên truyền và xây dựng kế hoạch tổ chức và theo dõi thực thi cam kết. Một số nhiệm vụ chính gồm:

- Hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện cam kết EVFTA: Về phía Bộ Tài chính, ngoài việc ban hành Nghị định mới của Chính phủ để thực thi cam kết thuế quan của EVFTA, một số nội dung cũng đã được đối chiếu, rà soát kỹ để hoàn thiện khung khổ pháp lý trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý khác của Bộ Tài chính như hải quan, dịch vụ bảo hiểm,… Các nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh, bãi bỏ các quy định pháp luật không còn phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo các cam kết quốc tế sẽ được dự thảo và xin ý kiến rộng rãi các bộ và cơ quan ngang bộ, hiệp hội, tổng công ty, doanh nghiệp, nhân dân… để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ký ban hành theo quy định.

- Thông tin tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến nội dung cam kết của Hiệp định theo phương thức đơn giản, dễ hiểu để không chỉ doanh nghiệp, người dân, mà kể cả đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước làm công tác hội nhập trong các lĩnh vực khác có thể nắm bắt và vận dụng các quy định phức tạp một cách chủ động và hiệu quả.

- Tổ chức triển khai và theo dõi tình hình thực thi cam kết: Bên cạnh nhiệm vụ ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện chính sách, yêu cầu về tổ chức triển khai và theo dõi tình hình thực thi cam kết đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình thực thi cam kết quốc tế. Mặc dù tuân thủ cam kết quốc tế là bắt buộc, tuy nhiên, các cam kết quốc tế vẫn tạo điều kiện cho các thành viên tham gia theo hướng mở ra quy định cho phép thực hiện phù hợp với pháp luật của các nước thành viên. Theo đó, yêu cầu thống kê, đánh giá quá trình thực thi cam kết đòi hỏi ngày càng cao nhằm tổng kết thực tiễn và đề xuất hướng giải quyết kịp thời đối với các vấn đề phát sinh để phù hợp với bối cảnh trong nước và chuẩn mực quốc tế mới. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội nhập nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến các vấn đề thực thi FTA nói riêng.

b) Đối với doanh nghiệp

Các vấn đề cần lưu ý đối với doanh nghiệp khi thực thi EVFTA cũng cơ bản tương tự khi thực thi CPTPP trong việc nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình, để từ đó chủ động xây dựng chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp; nâng cao sức cạnh tranh; chuyển dần từ xuất khẩu sản phẩm thô sang sản phẩm tinh; tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu,...

EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới,…

+ Đối với ngành thủy sản, mặt hàng thủy sản là mặt hàng chịu thuế cao của EU. Việc EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay hoặc có lộ trình với hầu hết các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm, sẽ tạo điều kiện cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có sức cạnh tranh hơn so với các nước có lợi thế xuất khẩu thủy sản như Thái Lan, Phi-líp-pin…

+ Đối với ngành da giày, mức thuế suất bình quân gia quyền EU áp dụng đối với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam hiện là 12,4%. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc có xuất xứ Việt Nam sau 3-7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm giày dép còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

+ Đối với ngành dệt may, mức thuế suất bình quân EU đang áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đang là 12%. Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với hầu hết nguyên vật liệu ngành dệt may, và xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình 3-7 năm đối với quần áo thành phẩm các loại.

+ Các sản phẩm nông sản nhiệt đới là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam lại không phải là mặt hàng được bảo hộ lớn của EU. Vì vậy, khi EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực theo cam kết EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng kim ngạch hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực vào thị trường này.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng sẽ chịu sức ép cạnh tranh hơn như: ô tô, dược phẩm, chăn nuôi,... Ngoài ra, các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam dù có lợi thế khi EU giảm thuế nhập khẩu nhưng cũng vẫn phải đáp ứng yêu cầu của EU về an toàn thực phẩm.

Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT