Hiện nay, người tiêu dùng Bỉ và EU đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam khi mà lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại đang dần dần hiện rõ. Đây sẽ là cơ sở để nông sản Việt có thể mở rộng thị phần tại thị trường này trong thời gian tới.
Dư địa còn lớn
Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh. Việc phân phối quả vải tươi đã không chỉ hiện diện ở trong hệ thống cửa hàng, siêu thị châu Á mà chính thức xâm nhập vào chuỗi siêu thị thực phẩm tại châu Âu.
Đây là những tín hiệu đáng mừng khi mặt hàng nông sản của Việt Nam đã dần tiếp cận thành công thị trường cao cấp, góp phần nâng vị thế của sản phẩm, mở ra nhiều cơ hội gia tăng thị phần tại thị trường khó tính này. Hiện, EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối, việc xuất khẩu thành công trái vải nói riêng và nông sản nói chung đã cho thấy nỗ lực rất lớn trong việc quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối và tìm kiếm thị trường mới của các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp. Đặc biệt, các Thương vụ Việt Nam tại châu Âu đã nỗ lực, vận động, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và tìm cách đưa các mặt hàng nông sản thâm nhập vào thị trường châu Âu thông qua các nhà phân phối.
“Việc xuất khẩu thành công được trái vải sang thị trường khó tính cũng sẽ là tiền đề để Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới về các loại nông sản nói chung, các sản phẩm Made in Viet Nam nói riêng, từ đó mở đường xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường EU, cũng như các thị trường khác trên thế giới”- ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Với tổng giá trị nhập khẩu nông sản của EU lên tới 160 tỷ USD/năm, tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU còn rất lớn, nhất là khi các quốc gia EU kiểm soát được dịch Covid-19. Chính phủ các thành viên EU đã thúc đẩy mở rộng việc tiêm vắc xin, áp dụng quy định giấy thông hành vắc xin, nới lỏng quy định đi lại, mở cửa một phần dịch vụ ăn uống, du lịch, do đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm đã tăng hơn so với giai đoạn trước.
Ngoài ra, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, hiện nay, người tiêu dùng Bỉ và EU đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam khi mà lợi thế từ Hiệp định EVFTA mang lại đang dần dần hiện rõ. Chính vì thế, hàng từ Việt Nam dễ dàng được xem xét hơn.
Tận dụng lợi thế, mở rộng xuất khẩu nhiều loại nông sản khác
Mặc dù đã đạt những thành công nhất định, song theo ông Trần Ngọc Quân – Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, việc triển khai đưa hàng nông sản vào thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn. Các địa phương còn chưa sát sao chỉ đạo mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn GlobalGAP, do đó thiếu các vùng nguyên liệu cho sản phẩm đạt chuẩn EU để xuất khẩu, mặc dù nhu cầu nhập khẩu để phân phối vào siêu thị này là rất lớn.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển hàng hóa vẫn cao và chưa ổn định thời gian vận chuyển vẫn dài hơn so với dự kiến do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sang EU. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu phải trả phí từ 6-8 USD/kg vận chuyển bằng đường hàng không; giá cước vận tải đường biển tăng từ 3.000 USD lên 15.000 USD/container lạnh. Mức giá cước đó ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu nông sản, làm giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ các nước Nam Mỹ, châu Phi và Thái Lan...
“Không những thế, số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, rau củ của Việt Nam có khả năng đáp ứng các điều kiện và tiêu chí của EU còn ít, trong khi nhu cầu EU về rau và trái cây nhiệt đới ngày càng tăng, điều này cũng ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp châu Âu chuyển hướng sang nhập khẩu trái cây, rau củ tươi từ Việt Nam”- ông Trần Ngọc Quân cho hay.
Ngoài ra, EU liên tục cập nhật và gia tăng việc đưa ra các biện pháp SPS mới đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu bao gồm cả sản phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật. Hay công tác bảo quản, công nghệ sau thu hoạch đối với bao bì đóng gói, thiết kế mẫu mã với sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam còn hạn chế, thời gian bảo quản ngắn, mau hỏng, tỷ lệ hao hụt cao, mẫu mã, vật liệu làm bao bì chưa phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của EU…
Để mở rộng thị phần mặt hàng nông sản tại thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp chặt với các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp về quy định xuất khẩu của EU, đặc biệt chuẩn bị các lô nhãn, thanh long, chanh leo, xoài, mít từ các vườn đạt chứng nhận chuẩn EU phục vụ xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết với hợp tác xã, nông dân để phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn và đạt chứng nhận theo quy định EU.
“Bộ Công Thương tăng cường, dành kinh phí ưu tiên công tác quảng bá, kết nối trái cây Việt Nam. Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ ngành lồng ghép các chương trình ngoại giao kinh tế để mở rộng thị trường, quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các nông sản đặc biệt...”, ông Trần Ngọc Quân đề xuất.
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU sẽ tiếp tục xúc tiến kết nối và mở rộng xuất khẩu các loại nông sản khác. Phối hợp với Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) lập danh sách các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây, sản phẩm trái cây uy tín trên cả nước để kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây tại EU và kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam.
“Đặc biệt, Thương vụ sẽ tổ chức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số đối với các mặt hàng nông sản. Dự kiến đề xuất hợp tác đưa Bỉ thành một điểm trung chuyển trong chuỗi thương mại điện tử của Việt Nam”- ông Trần Ngọc Quân chia sẻ thêm.
TS. Đào Văn Cường, Bộ NNPTNT