Năm 2020 là một năm tồi tệ với thương mại toàn cầu. Trao đổi thương mại giữa Italia – Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Xin Đại sứ cho biết, kế hoạch nhằm khôi phục lại thương mại song phương của Đại sứ quán Italy tại Việt Nam trong năm 2021?
Năm ngoái, vì đại dịch Covid-10, cũng như mọi quốc gia khác, không chỉ chiều xuất khẩu Italy sang Việt Nam mà kim ngạch thương mại song phương đã bị ảnh hưởng nặng nề. Quý I/2021, chúng ta đã làm tốt hơn, thương mại song phương đang hồi phục đáng kể. Tất nhiên, quá trình hồi phục này sẽ kéo dài, và chúng ta sẽ dần vượt qua khó khăn.
Năm 2019, Thủ tướng Italia lúc bấy giờ, ông Giuseppe Conte đã đến thăm Việt Nam và gặp Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ, ông Nguyễn Xuân Phúc. Họ đã có cuộc trao đổi cấp cao về tiềm năng thương mại giữa hai quốc gia. Tại đây, họ đã đặt mục tiêu năm 2020, kim ngạch hai chiều cần phải đạt được 6 tỷ euro và từ đó sẽ đặt các mục tiêu xa hơn. Chúng ta đã gần đạt được mục tiêu này nhưng không may, đại dịch xảy ra khiến trao đổi thương mại giữa các quốc gia bị đình trệ. Vì vậy, trong năm nay chúng tôi muốn đạt được mục tiêu này. Với Hiệp định EVFTA mới có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội cho đôi bên, chúng tôi hy vọng có thể nhanh chóng đặt mục tiêu cao hơn.
Tuy nhiên, thúc đẩy giao thương giữa hai quốc gia hiện nay không phải là điều dễ dàng. Vì tình thế bắt buộc dẫn đến các quy định về đi lại bị thắt chặt, cho đến nay, chúng tôi không thể tổ chức các đoàn doanh nghiệp đến thăm trực tiếp Việt Nam. Hiện, đa số các hoạt động xúc tiến phải duy trì online. Nhưng chúng tôi đang có vài ý tưởng để quảng bá Việt Nam tới cộng đồng doanh nhân ở Italia.
Giữa tháng 12/2020, chúng ta đã tổ chức Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam – Italy theo hình thức trực tuyến do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia - ông Manlio di Stefano và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đồng chủ trì. Tại đây, rất nhiều chương trình hợp tác kinh tế được thảo luận. Vì vậy, hiện nay, chúng tôi đang tập trung hiện thực hoá các chương trình này.
Bên cạnh đó, có rất nhiều hội thảo trực tuyến nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với các doanh nghiệp ở Italia. Chúng tôi cũng có các chiến dịch quảng bá sản phẩm Italia tại Việt Nam như True Italian Taste – Chương trình quảng bá ẩm thực Italia. Có thể nói, đại sứ quán Italia tại Việt Nam đang nỗ lực hết sức để có thể khai thác hết các tiềm năng kinh tế của Việt Nam và Italia.
Thị trường Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp Italia? Các doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường trường Việt Nam có gặp khó khăn gì không, thưa Đại sứ?
Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên hàng đầu trên thế giới hiện nay của chúng tôi. Đây là một thị trường quan trọng với gần 100 triệu dân. Thu nhập của người Việt Nam đang ngày càng cao, tiêu chuẩn lựa chọn hàng hoá tinh tế. Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng đang dần thay đổi. Hơn 20 năm kể từ thời kỳ đổi mới, đất nước các bạn đã tự do hoá kinh tế. Đây là một điểm tích cực đối với các doanh nghiệp Italia. Mặt khác, Hiệp định EVFTA vừa được ký kết cũng cung cấp cho doanh nghiệp hai bên cơ chế đối thoại và là phương tiện để cải cách môi trường kinh doanh.
Nói về khó khăn, khi nhắc đến thương mại quốc tế, chúng ta thường nói về các rào cản thuế quan và phi thuế quan. Đối với các rào cản thuế quan, Hiệp định EVFTA sẽ gỡ bỏ hầu hết các loại thuế quan trong 7 năm tới. Đối với các rào cản phi thuế quan, chúng ta thường nhắc đến các quy định như hạn chế định lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép,... Không phải sản phẩm nào cũng có thể nhập khẩu vào Việt Nam. Khi nhắc đến các sản phẩm nông sản, các sản phẩm này cần được kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng. Quá trình kiểm tra này thường tốn nhiều thời gian, đôi khi bên nhập khẩu và xuất khẩu có quan điểm trái ngược nhau và chúng tôi cần giải quyết vấn đề này.
Hiện, thị trường Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội. Chúng tôi có hơn 100 công ty Italia đã đầu tư tại Việt Nam. Nhưng con số này chưa làm chúng tôi thoả mãn, mục tiêu của chúng tôi lớn hơn thế, từ số lượng đến quy mô. Vì vậy, cùng với các đối tác ở Việt Nam, chúng tôi đang củng cố quan hệ đối tác để tình hình kinh doanh hai chiều có thể cùng phát triển.
Thưa Đại sứ, Hiệp định EVFTA có ý nghĩa như thế nào đối với thương mại Italia – Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Italia muốn tìm cơ hội làm ăn tại Việt Nam nói riêng?
Hiện, các mặt hàng chủ lực của chúng tôi tại thị trường Việt Nam gồm có trang thiết bị công nghiệp và máy móc, đồ nội thất, các sản phẩm nông sản, da giày,... Đối với các mặt hàng này, EVFTA giúp thuế suất trở về 0% và tháo gỡ nhiều khó khăn cho người mua hàng. Điều cần làm bây giờ là khiến các công ty ở Việt Nam và Italia hiểu rõ về hiệp định. Hiệp định này rất dài và có nhiều chi tiết. Các doanh nghiệp cần phải đọc và tìm kiếm điều họ cần trong hiệp định này để có thể áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy, một trong những ưu tiên của chúng tôi hiện nay là tuyên truyền về hiệp định.
Thanh Tùng, Bộ Công Thương