Hiệp định EVFTA

Với tư cách là Thành viên của WTO, pháp luật Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các quy định trong các Hiệp định điều chỉnh của WTO về PVTM. Bên cạnh đó, trước tình hình Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều FTA song phương, đa phương với các đối tác trên thế giới, pháp luật Việt Nam về PVTM cũng đã bắt đầu có sự điều chỉnh để dần đáp ứng những quy định trong FTA.

1. Chống bán phá giá, chống trợ cấp

Như đã phân tích trong Chương II về quy định PVTM trong 10 FTA Việt Nam đã ký kết và tham gia, hầu hết quy định về AD, CVD trong các FTA này dẫn chiếu tới Hiệp định Chống bán phá giá và Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO. Tức là quyền và nghĩa vụ của các Bên sẽ tuân theo các hiệp định điều chỉnh của WTO. Do pháp luật Việt Nam về PVTM bám sát và tuân thủ các quy định của WTO, nên Việt Nam có thể đáp ứng và tuân thủ các quy định này.

Tuy nhiên, trong số 10 FTA trên, có FTA đưa ra những yêu cầu cao hơn so với các Hiệp định của WTO về AD, CVD. Điều này có thể thấy rõ nhất trong VKFTA, cụ thể:

-  Điều 7.6.2 VKFTA quy định ngay sau khi áp dụng biện pháp tạm thời và trong bất cứ trường hợp nào trước khi áp dụng biện pháp cuối cùng, Bên điều tra sẽ công bố đầy đủ và có ý nghĩa tất cả các dữ kiện trọng yếu và xem xét làm cơ sở cho việc ra quyết định áp dụng biện pháp.

Quy định trên yêu cầu cao hơn Hiệp định ADA ở điểm Điều 6.9 Hiệp định ADA chỉ yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp các dữ kiện trọng yếu mà họ cân nhắc để đưa ra kết luận cuối cùng. Trong khi Điều 7.6.2 VKFTA yêu cầu cơ quan điều tra phải ngay sau khi áp dụng biện pháp tạm thời và trước khi ban hành kết luận cuối cùng cung cấp đầy đủ và có ý nghĩa tất cả các dữ kiện trọng yếu và xem xét. Điều này sẽ tăng thêm nghĩa vụ cho cơ quan điều tra khi phải đảm bảo cung cấp đầy đủ và có ý nghĩa các dữ kiện trọng yếu cho các bên xem xét.

Về vấn đề này, Điều 81.3 (a) và Điều 89.3 (a) quy định: “…sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung điều tra quy định tại Điều 80 của Luật này. Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra và các căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan trong vụ việc điều tra”.

“Các căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng” được hiểu là các dữ kiện trọng yếu và xem xét trong Điều 7.6.2 VKFTA. Tuy nhiên, lời văn của Điều 81.3 (a) và 89.3 (a) chưa thực sự phản ánh yêu cầu trong Điều 7.6.2 VKFTA, bao gồm tính chất của các căn cứ - “đầy đủ và có ý nghĩa” và thời điểm ban hành căn cứ - “ngay sau khi áp dụng biện pháp tạm thời và trước khi ban hành kết luận cuối cùng”. Do đó nhằm tương thích với quy định này, việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi Luật Quản lý ngoại thương hoặc các văn bản khác nhằm thực thi hiệp định trong thời gian tới cần xem xét, cân nhắc vấn đề này.

- Điều 7.6.3 VKFTA đưa ra một số các quy định nhằm tăng cường sự minh bạch trong các vụ việc điều tra AD để tuân thủ quy định của WTO. Cụ thể:

+ Đoạn (a) quy định khi xác định biên độ phá giá theo Hiệp định ADA, cơ quan điều tra không nên (should) áp dụng phương pháp quy về 0 (zeroing).

+ Đoạn (b) quy định, khi áp dụng thuế chống bán phá giá theo Điều 9.1 Hiệp định ADA, Bên áp dụng biện pháp có thể (may) áp dụng quy tắc “thấp hơn”, nếu mức thuế thấp hơn biên độ phá giá vẫn đủ để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.

+ Đoạn (c) quy định khi Bên tiến hành điều tra AD nhận thấy có thiếu sót lớn về thông tin trong bản trả lời câu hỏi của các nhà xuất khẩu hoặc cần làm rõ thông tin trong đó, Bên điều tra sẽ yêu cầu các thông tin còn thiếu hoặc yêu cầu làm rõ thông tin. Thủ tục này không được sử dụng để làm trì hoãn cuộc điều tra hoặc để vượt qua các thời hạn quy định trong pháp luật nội địa của Bên đó.

Có thể thấy, quy định trong đoạn (a) và (b) không mang tính bắt buộc mà nhằm khuyến khích các Bên áp dụng. Do đó, Việt Nam có thể áp dụng hoặc không áp dụng trong từng vụ việc. Tuy nhiên, trong trường hợp áp dụng, pháp luật hiện tại của Việt Nam về PVTM không quy định vấn đề này. Vì vậy, trong thời gian tới, việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi Luật Quản lý ngoại thương hoặc các văn bản khác nhằm thực thi hiệp định cần xem xét, cân nhắc vấn đề này.

- Điều 7.7 VKFTA quy định về nghĩa vụ thông báo và tham vấn sau khi cơ quan điều tra nhận được hồ sơ đề nghị khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp

Về vấn đề thông báo, Điều 70.5(c) Luật Quản lý ngoại thương của Việt Nam quy định “Cơ quan điều tra thực hiện các nghĩa vụ thông báo khác theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.” Như vậy, với những quy định về thông báo có yêu cầu cao hơn quy định của WTO như trên, Việt Nam sẽ thực hiện theo quy định của FTA. Do đó, với quy định về thông báo trong Điều 7.7 VKFTA, Việt Nam có thể đáp ứng.

Đối với yêu cầu tham vấn về đơn kiện trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp sau khi cơ quan điều tra nhận được đơn kiện và trước khi khởi xướng điều tra, Điều 70.4 Luật Quản lý ngoại thương Việt Nam quy định vấn đề tham vấn trong các vụ điều tra PVTM như sau:

“a) Trong quá trình điều tra, các bên liên quan trong vụ việc điều tra được quyền trình bày bằng văn bản với Cơ quan điều tra các thông tin và ý kiến liên quan đến vụ việc điều tra;

b) Cơ quan điều tra có trách nhiệm tạo cơ hội tham vấn cho các bên liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Trước khi công bố kết luận điều tra cuối cùng, Cơ quan điều tra có thể tổ chức tham vấn công khai nhằm tạo điều kiện cho các bên liên quan trình bày thông tin và ý kiến liên quan đến vụ việc điều tra.

Theo Khoản (a) và (b), trong quá trình điều tra cơ quan điều tra Việt Nam có trách nhiệm tạo cơ hội tham vấn cho các bên liên quan khi có yêu cầu. Tuy nhiên, thời điểm tham vấn theo quy định của Điều 7.7 VKFTA là sau khi nhận được đơn kiện và trước khi khởi xướng điều tra, tức là không trong quá trình điều tra. Như vậy, Điều 70.4 Luật Quản lý ngoại thương Việt Nam chưa bao hàm được yêu cầu này trong VKFTA. Do đó, trong thời gian tới, khi xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi Luật Quản lý ngoại thương hoặc các văn bản khác nhằm thực thi hiệp định, các cơ quan chức năng cần lưu ý tới điều này.

- Điều 7.8 VKFTA đưa ra quy định về biện pháp cam kết giá trong điều tra AD, CVD. Điều 7.8 VKTA đưa ra một số yêu cầu về thủ tục đối với cơ quan điều tra Bên điều tra như: cung cấp cho Đại sứ quán hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bên kia thủ tục để đề nghị cơ quan điều tra xem xét biện pháp cam kết giá, tham vấn với các nhà xuất khẩu của Bên kia về biện pháp này.

Cam kết là một trong những biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được quy định trong Điều 77.3 (b) và 83.2(b) và được cụ thể hóa trong Điều 81.2, 89.2 của Luật Quản lý ngoại thương Việt Nam. Tuy nhiên, các điều khoản này không quy định chi tiết những thủ tục theo Điều 7.8 VKFTA như tham vấn, cung cấp thủ tục đề nghị xem xét biện pháp cam kết... Vì vậy, mặc dù Điều 81.2 và 89.2 Luật Quản lý ngoại thương không mâu thuẫn với Điều 7.8 VKFTA, nhưng các thủ tục như yêu cầu của VKFTA thì không đề cập. Trong thời gian tới, khi xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi Luật Quản lý ngoại thương hoặc các văn bản khác nhằm thực thi hiệp định, các cơ quan chức năng cần cân nhắc bổ sung các quy định phù hợp.

- Điều 7.9 và 7.10 VKFTA đưa ra một số quy định về việc xem xét kỹ lưỡng các đơn kiện đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một hàng hóa đã được chấm dứt biện pháp chống bán phá giá trong 12 tháng trước đó và xem xét việc đánh giá gộp tác động của hàng nhập khẩu trong các vụ điều tra AD, CVD mà liên quan đến nhiều hơn 1 nước xuất khẩu. Các quy định này đều mang tính bắt buộc (shall) do đó sẽ làm tăng nghĩa vụ cho cơ quan điều tra.

Luật Quản lý ngoại thương Việt Nam không quy định vấn đề này. Do đó, khi xây dựng văn bản hướng dẫn thực thi Luật Quản lý ngoại thương hoặc các văn bản khác nhằm thực thi hiệp định trong thời gian tới, cần cân nhắc đến vấn đề này để phản ánh một cách phù hợp.

Như vậy, với các quy định về AD, CVD có yêu cầu cao hơn Hiệp định WTO (WTO+) trong 10 FTA Việt Nam đã ký kết, pháp luật hiện tại của Việt Nam về PVTM chưa thực sự đáp ứng đầy đủ. Do đó, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi Luật Quản lý ngoại thương hoặc các văn bản khác nhằm thực thi hiệp định trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần cân nhắc tới điều này để đảm bảo sự tương thích, phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng khi xu hướng đưa ra các quy định WTO+ trong FTA ngày càng trở nên phổ biến hơn và không loại trừ các FTA gần đây mà Việt Nam đang trong quá trình đàm phán.

2. Tự vệ toàn cầu

Tương tự biện pháp AD, CVD, quy định về biện pháp tự vệ toàn cầu trong 10 FTA Việt Nam đã ký kết hầu hết dẫn chiếu tới Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ WTO. Như vậy, quyền và nghĩa vụ của các bên đối với biện pháp tự vệ toàn cầu sẽ tuân thủ Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ WTO.

Do là Thành viên của WTO, quy định Việt Nam về biện pháp tự vệ cũng tuân thủ và bám sát các quy định của WTO do đó pháp luật Việt Nam có thể đáp ứng quy định trong FTA về tự vệ toàn cầu.

Tuy nhiên, quy định về tự vệ toàn cầu trong VKFTA đưa ra một số nghĩa vụ cao hơn so với quy định của WTO. Cụ thể.

- Điều 7.5.1 VKFTA quy định: “một Bên áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu có thể loại trừ hàng hóa của Bên khác nếu hàng hóa nhập khẩu đó không phải là nguyên nhân quan trọng (substantial) gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng”.

Luật Quản lý ngoại thương của Việt Nam không quy định về vấn đề này. Tuy nhiên quy định trên không mang tính bắt buộc (may) mà mang tính khuyến nghị do đó, Việt Nam có thể xem xét áp dụng hoặc không áp dụng quy định này trong từng vụ việc. Tuy nhiên, trong trường hợp áp dụng, Việt Nam cần có cơ sở pháp lý trong nước để thực thi quy định này.

- Điều 7.5.2 VKFTA quy định theo yêu cầu của Bên kia, Bên dự định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu sẽ nhanh chóng thông báo bằng văn bản tất cả các thông tin liên quan đến khởi xướng điều tra, kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng. Theo Điều 70.5(c) Luật Quản lý ngoại thương đã nêu trên, Việt Nam có thể đáp ứng được quy định này.

3. Tự vệ song phương/tự vệ trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do

Tự vệ song phương/tự vệ trong khuôn khổ FTA là biện pháp PVTM được quy định cụ thể, chi tiết nhất trong các FTA. Nhiều quy định có yêu cầu cao hơn khá nhiều so với Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ WTO. 

Tuy nhiên, Luật Quản lý ngoại thương Việt Nam đã có điều khoản quy định dành riêng cho các biện pháp tự vệ song phương/tự vệ trong FTA, đó là Điều 99 (Tự vệ đặc biệt). Điều 99.1 định nghĩa: “Tự vệ đặc biệt là biện pháp tự vệ được Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng trong trường hợp gia tăng quá mức hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam do kết quả của việc giảm thuế theo lộ trình của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.” Như vậy, tự vệ đặc biệt trong Điều 99 chính là biện pháp tự vệ song phương/tự vệ trong khuôn khổ FTA.

Theo Điều 99.3, “Việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt phải tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Như vậy, pháp luật Việt Nam về PVTM cho phép Việt Nam tuân thủ các quy định liên quan đến điều tra, áp dụng tự vệ song phương/tự vệ trong khuôn khổ FTA.

Tóm lại: Pháp luật hiện tại của Việt Nam về PVTM chưa hoàn toàn tương thích với các điều khoản trong 10 FTA mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài biện pháp tự vệ đặc biệt được quy định theo hướng rộng và linh hoạt cho phép áp dụng đối với nhiều FTA, thì các biện pháp AD, CVD và tự vệ toàn cầu được quy định ở phạm vi hẹp, chưa thực sự linh hoạt. Do đó, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Quản lý ngoại thương hoặc các văn bản khác nhằm thực thi hiệp định sau này cần lưu ý và cân nhắc vấn đề này.

Đặng Xuân Tâm, Chánh Văn phòng Cục PVTMVN