Hiệp định EVFTA

Liên minh châu Âu (EU) có nhiều quốc gia tiên phong về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực trùng thời điểm Việt Nam đưa ra Chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia. Đây chính là nền tảng tiềm năng để hai bên cùng chia sẻ những giá trị chung, không chỉ lợi ích về kinh tế mà còn cả giải pháp cùng thắng.

Nhằm đánh giá thực trạng, cơ hội và thách thức từ kinh tế số và sự chuyển đổi số tại Việt Nam, hiệp định EVFTA và những đóng góp tiềm năng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam, ngày 5/11/2020, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (EUD) phối hợp với VINASA và Eurocham tổ chức Hội nghị Bàn tròn về “Kinh tế số, Chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA”.

5231-kinh-te-so-evfta

Nhiều dư địa phát triển

Việt Nam được đánh giá là 1 trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN, với cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin khá tốt. Nền kinh tế só của Việt Nam hiện đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ và là thị trường phát triển nhanh thứ 2 ở Đông Nam Á sau Indonesia. Theo báo cáo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt quy mô khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Data61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Những dự báo trên đều dựa vào cơ hội mang tính nội tại của Việt Nam, như lực lượng dân số trẻ, thích công nghệ, tốc độ và độ phủ Internet rộng, hạ tầng viễn thông tốt, có sự dịch chuyển đổi mới sáng tạo sang phía Đông. Tuy nhiên, theo TS. Phạm Anh Tuấn – Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và chuyển đổi số, sự phát triển kinh tế ở Việt Nam cũng phải đối mặt thách thức, đó là chưa có hệ sinh thái đủ mạnh để thúc đẩy doanh nghiệp số, nguồn nhân lực cũng chưa chuẩn bị đầy đủ về kiến thức tư duy, kỹ năng để đáp ứng nền kinh tế số. Đặc biệt trong công nghệ lõi thì Việt Nam cũng chưa làm chủ được.

Nếu không làm chủ công nghệ lõi, tự xây dựng thương hiệu thì đa số doanh nghiệp sẽ rơi vào bẫy đường cong mặt cười và nằm ở đáy đường cong này. Khi đó, giá trị gia tăng tạo ra thấp nhấtông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, dư địa phát triển kinh tế số ở Việt Nam vẫn lớn, như trong lĩnh vực bán lẻ so với các nước trong khu vực, chi tiêu tạp hóa qua kênh hiện đại thấp nhất so với các nước trong khu vực. Đây là cơ hội để ứng dụng công nghệ số chuyển dịch bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại. Hay tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản thanh toán di động còn thấp, là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển fintech…

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực chưa từng có đối với đời sống y tế, kinh tế và xã hội không chỉ của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đại dịch này cũng mở ra cơ hội chưa từng có, “cú huých trăm năm” để đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, nhiều chuyên gia nhận định, đây là hiệp định thương mại mang lại động lực và khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp và khu vực công tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số. Thỏa thuận sẽ góp phần cải thiện khuôn khổ quy định của Việt Nam về chuyển đổi kỹ thuật số theo cách thức thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử giữa EU và Việt Nam. EVFTA được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao rất thuận lợi cho chuyển đổi số. Được hỗ trợ bởi hiệp định thương mại tự do này, Việt Nam sẽ có cơ hội cao hơn trong việc tiếp cận với các bí quyết, công nghệ và chuyên môn của Châu Âu.

Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ EU tại Việt Nam - chia sẻ, khi đại dịch Covid - 19 xảy ra, tầm quan trọng của số hoá càng được nhấn mạnh. Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và là một thị trường rất thu hút. Hiện nay, chúng ta có thể mua bán qua mạng, làm các thủ tục nhanh chóng nhờ sự phát triển của kĩ thuật số. Với những cái thay đổi này thì các quy trình sẽ trở nên ít phức tạp hơn, ít tốn thời gian hơn. Và EVFTA chính là nền tảng rất tiềm năng để cùng chia sẻ những giá trị chung, không chỉ là lợi ích về kinh tế, mà còn là giải pháp để hai bên cùng thắng.

Cùng chung quan điểm này, TS. Nguyễn Trọng Đường – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) – cũng nhấn mạnh, EU có nhiều quốc gia tiên phong về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Hiệp định EVFTA có hiệu lực trùng thời điểm Việt Nam đã đưa ra Chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia, mở ra cơ hội lớn để hai bên hợp tác, khai thác các lợi thế của nhau để cùng phát triển.

5230-kinh-te-so-evfta1
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, cơ quan chính phủ, các quốc gia thành viên EU cũng như các hiệp hội, học viện và doanh nghiệp tại Việt Nam

Thay đổi mạnh mẽ về tư duy

Chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu giúp doanh nghiệp dần quen với sự bình thường mới sau đại dịch Covid-19. Đối với Việt Nam, 61% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát đã nhận thấy những thay đổi trong hành vi và động cơ mua hàng của khách hàng kể từ đầu năm 2020, trong khi 22% doanh nghiệp không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về nhu cầu của khách hàng và 16% vẫn không chắc chắn. Trước cuộc khủng hoảng Covid-19, các động lực thúc đẩy công nghệ tập trung vào việc giảm chi phí và tăng năng suất. Mục tiêu là khiến các doanh nghiệp đang hoạt động tốt hoạt động tốt hơn. Khi thích ứng với thực tế mới do Covid-19 gây ra thì vai trò của công nghệ sẽ được phát huy để nâng cao năng lực chống chọi, khả năng tạo lợi nhuận và hoạt động bền vững.

Ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cũng chỉ ra ba xu hướng lớn sẽ có tác động to lớn đến nền kinh tế là toàn cầu hóa (hoặc sự thoái lui của toàn cầu hóa), không tiếp xúc và giá trị sống. Việt Nam đang tiến tới một nền kinh tế không tiếp xúc và xu hướng này đã đang được thúc đẩy bởi Covid-19. Tuy nhiên, ngoài các công cụ chuyển đổi số hoá, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy để Việt Nam hình thành nền tảng cho sự phát triển trong một thế giới số hóa ở tương lai.

Đó là cải thiện tiếp cận và công khai thông tin. Bởi việc xây dựng nền kinh tế số đòi hỏi phải khả năng tiếp cận và công khai thông tin trong khi Việt Nam vẫn đang tụt hậu về quyền được thông tin và sự tham gia của người dân. Bên cạnh đó, giảm rào cản thương mại trong dịch vụ và cần mở dịch vụ sang khu vực tư nhân.”- ông Jacques Morisset nhấn mạnh.

Ngoài ra, để chuyển đổi thành công, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng nhận thức và nhận định chuyển đổi số, kinh tế sốCụ thể, vai trò của Chính phủ xây dựng nền tảng, phối hợp các bộ ngành tuyên truyền kiến thức giúp lực lượng lao động thích ứng với chuyển đổi số. Ngoài ra Chính phủ tạo ra sand box, vượt qua quy định hiện hành, hoặc có thể tạo ra nền tảng giúp doanh nghiệp kết nối dễ dàng với đội ngũ mentor tương ứng. Cuối cùng là hệ thống phát triển nền tảng số. “Nếu làm được những điều này, Việt Nam hoàn toàn tự tin vào nhóm vượt trội về chuyển đổi số.”- ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Mạnh Tiến, Bộ TTTT