Hiệp định EVFTA

Dù xuất khẩu cà phê qua EU trong tháng 8/2020 có cải thiện song theo các doanh nghiệp Việt họ vẫn chưa “hưởng lợi” nhiều từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bởi lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê thô, trong khi sản phẩm được giảm thuế là cà phê chế biến sâu.

EVFTA mới bước đầu có tác động

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,65 triệu tấn cà phê, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu 2,86 tỷ USD, trong đó EU là thị trường tiêu thụ cà phê xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thị phần 37,9% tính theo giá trị xuất khẩu.

Năm 2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đi các thị trường giảm nhẹ do ảnh hưởng của dịch Covid. Đối với thị trường EU, tính đến hết tháng 8/2020 Việt Nam xuất khẩu đạt 487,6 nghìn tấn, với kim ngạch 779,5 triệu USD giảm lần lượt 6,2% và 6,4% so vói cùng kỳ. Dù vậy, nếu chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, xuất khẩu cà phê qua EU đã có sự khởi sắc khi đạt 38,6 nghìn tấn, trị giá 66,2 triệu USD, tăng lần lượt 5,3% về lượng và 8,95% về giá trị so với tháng 7/2020.

3643-ca-phe-chua-huong-loi-tu-evfta
Các sản phẩm cà phê xuất đi EU hiện chủ yếu là cà phê thô

Theo phân tích của giới chuyên gia, việc xuất khẩu cà phê tăng trở lại từ tháng 8/2020 phản ánh thị trường đang trên đà phục hồi sau khoảng thời gian bị tác động giảm cầu vì dịch bệnh. Điều này hoàn toàn là yếu tố ngoài EVFTA. Bởi lẽ Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 tuy vậy đến ngày 16/9/2020, lô hàng cà phê đáp ứng tiêu chuẩn của EVFTA đầu tiên (296 tấn) mới được Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang EU - cho thấy EVFTA mới chỉ bước đầu tác động tới xuất khẩu của ngành hàng này kể từ tháng 9/2020.

Lý giải nguyên nhân, ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex - chia sẻ, đối với các sản phẩm như cà phê nhân xanh hoặc vỏ quả, vỏ lụa cà phê, thuế suất thuế nhập khẩu vào thị trường EU hiện tại là 0%, do vậy mặc dù được xếp vào danh mục A (giảm thuế về 0% ngay lập tức) song sản phẩm này sẽ không có thêm lợi thế về thuế.

Sản phẩm được hưởng lợi theo EVFTA là cà phê chế biến. Trước EVFTA, mức thuế áp dụng với cà phê chế biến nằm trong biên độ 7,5 - 11,5%, do đó với việc các mặt hàng này được giảm thuế ngay về 0% sẽ là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp.

Dù vậy, theo ông Nam, đối với các sản phẩm cà phê chế biến thì tới nay doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu được bởi ảnh hưởng dịch, doanh nghiệp chưa thể xúc tiến các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại EU nên chưa tìm được người mua.

Tăng chế biến sâu, đa dạng hình thức xúc tiến thương mại cho cà phê

Theo Bộ Công Thương, cà phê nhân xanh xuất khẩu sang EU theo nguyên tắc của EVFTA cần đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy, tức là 100% phát triển từ vùng nguyên liệu nằm tại Việt Nam. Trong khi đó cà phê chế biến lại cần đáp ứng yêu cầu về gia công chế biến sâu (sử dụng kỹ năng đặc biệt, máy móc, thiết bị chuyên dụng,..) và không nằm trong danh sách liệt kê các các công đoạn gia công, chế biến đơn giản của EVFTA (ví dụ: công đoạn bóc vỏ, trích hạt và tách vỏ quả, hạt được xem là công đoạn chế biến đơn giản, chưa phải là chế biến sâu). Hoạt động gia công, chế biến nêu trên cần phải thực hiện tại lãnh thổ của nước thành viên. Thêm vào đó, tương tự với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm khác; cà phê cần đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (SPS).

Thống kê của Hiệp hội cà phê ca cao cho thấy, tại thị trường EU, phần lớn kim ngạch đến từ cà phê nhân xanh nên để được hưởng lợi về thuế suất theo EVFTA các doanh nghiệp phải có nhà máy chế biến sâu. Nắm bắt được yêu cầu của thị trường, thời gian qua nhiều doanh nghiệp như CTCP Vinacafe Biên Hòa, CTCP Tập đoàn Intimex, CTCP Tín Nghĩa… đã đầu tư lớn cho chế biến sâu.

Đơn cử như Intimex đã đầu tư xây nhà máy chế biến cà phê hòa tan Intimex Bình Dương. Theo doanh nghiệp, sau khi hoạt động chính thức và đạt công suất trong năm đầu 2020, Tập đoàn Intimex sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư đến năm 2025, đạt công suất 20.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD và trở thành nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu Việt Nam.

Cùng với sự đầu tư của doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ tại nước ngoài thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán... để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh chưa thể thực hiện được xúc tiến thương mại truyền thống, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hình thức xúc tiến thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá hình ảnh sản phẩm xuất khẩu của ta tới các nước đối tác.

Ngô Nam, Văn phòng SPS