Hiệp định EVFTA

Đến nay, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên đã đem lại kết quả tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi vẫn cần hoạch định chính sách phù hợp, nhất là vấn đề phi thương mại.

Cơ hội song hành thách thức

Sự khác biệt giữa FTA thế hệ mới và FTA truyền thống ở chỗ, FTA nguyên thủy chỉ cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, sau đó được nâng lên là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, bổ sung thêm phần bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ, còn FTA thế hệ mới có đặc điểm cơ bản là phạm vi cam kết rộng nhất. Cụ thể, gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ có mức độ cam kết sâu nhất, cắt giảm tối đa sắc thuế (hầu như về 0%) theo lộ trình nhất định; có cơ chế thực thi chặt chẽ bao gồm các lĩnh vực được xem là “phi thương mại” như: Môi trường, lao động, công đoàn, quyền con người, tính minh bạch, cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế xử phạt…

Thực thi FTA thế hệ mới: Không thể bỏ qua vấn đề phi thương mại

Thực thi các FTA thế hệ mới đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu lao động ở mức cao

Ông Phillip Degenhardt- Tổng giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (Đức) - đánh giá, những FTA như CPTPP, EVFTA được kỳ vọng mang lại cơ hội mới trong xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, kể cả các sản phẩm nông nghiệp. Song, FTA thế hệ mới còn bao gồm cả các nội dung không liên quan đến thương mại. Điều này đòi hỏi các thành viên, trong đó có Việt Nam phải thực hiện rà soát, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh như: Bảo vệ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khỏi sự can thiệp trái pháp luật; tạo “sân chơi” công bằng cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kinh doanh; thuận lợi hóa việc công nhận các tiêu chuẩn sản phẩm; mở cửa thị trường mua sắm công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các thành viên của FTA; minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước…

Hoạch định chính sách và thực thi kịp thời

Giáo sư David M. Ong - Trường Luật Nottingham- Đại học Nottingham Trent (Vương quốc Anh) - lưu ý: Việt Nam tham gia EVFTA, ngoài việc phải cố gắng nâng tầm các quy định nội địa về thương mại, thì nên lưu ý tới các nguy cơ của các điều khoản mang tính bảo vệ cho nhà đầu tư. Hay, trong các FTA thế hệ mới đã cố gắng thể hiện sự cân bằng giữa quyền ban hành pháp luật của các quốc gia tiếp nhận đầu tư và quyền của nhà đầu tư nước ngoài, khẳng định thêm quyền của nhà nước liên quan đến các vấn đề khác không chỉ về môi trường mà còn về lao động, văn hóa... Vì thế, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều để trở thành đối tác ngang tầm với các đối tác trong EVFTA.

Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Nga - Hòa giải viên thương mại- Hội viên Hội Luật quốc tế Việt Nam, các FTA thế hệ mới có những tiêu chuẩn chung nhất định và có thể thay đổi, bổ sung. Hoạt động lập pháp trong nước, cụ thể là việc ban hành các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật cần có những dự báo, tầm nhìn dài hạn để có thể điều chỉnh những vấn đề mới nảy sinh, tránh việc phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung; khuyến khích việc áp dụng trực tiếp các quy định; chỉ ban hành các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư) đối với các vấn đề có tính thay đổi theo thời gian và linh hoạt khi thật sự cần thiết. Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh; xây dựng các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng trọng tâm vào việc tạo lập các “hàng rào kỹ thuật”.

Đối với doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung, quy tắc nội khối để tận dụng tối đa những cơ hội đến từ các FTA thế hệ mới; chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước; tăng cường kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng công nghệ, quản lý và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra thách thức cho các quốc gia tham gia. Trong đó, vấn đề phi thương mại là khá mới, phức tạp đối với những quốc gia tham gia ký kết các FTA thế hệ mới, đặc biệt là quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thu Huyền, Bộ Tài chính