Tin tức

Hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước đã và đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với tiêu chuẩn an toàn và chất lượng hàng hóa.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn về rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại...

Do đó, vấn đề triển khai xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, kèm theo chỉ dẫn địa lý (CDĐL) không chỉ là vấn đề sống còn với doanh nghiệp, mà còn đối với nền kinh tế đất nước. Đây là nhận định của các chuyên gia tại "Hội thảo vai trò, tác dụng của chỉ dẫn địa lý trong phát triển kinh tế địa phương", tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 4/4.

Mặc dù, Việt Nam đã và đang tích cực khai thác lợi thế ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam rất vất vả với các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, cũng như rào cản kỹ thuật do nước nhập khẩu áp dụng với hàng hóa nước ngoài.

Trong khi cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế việc hỗ trợ doanh nghiệp thì vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin, dự báo thị trường... giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định mới của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 

Thống kê từ những sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ bị thu hồi vì vi phạm cảnh báo ghi nhãn dị ứng cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại tài chính và mất giá trị thương hiệu, dù vi phạm không liên quan đến chất lượng sản phẩm.

Dẫn chứng cụ thể, ông Vũ Thế Thành -chuyên gia ngành thực phẩm cho hay, có thể kể đến các trường hợp vi phạm điển hình là chất gây dị ứng không phải là chất độc, mà các loại thực phẩm có protein đều có khả năng gây dị ứng, tùy theo cơ địa của mỗi người.

Đơn cử, cái khó đối với thị trường Mỹ là các quy định nhãn cảnh báo chất gây dị ứng phải đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng nhận biết dễ dàng và chính xác, mà không ít doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đều gặp thách thức trong việc đảm bảo.

Bởi nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh có ghi nhãn cảnh báo nhưng người tiêu dùng không hiểu hoặc không nhận biết do là thuật ngữ khoa học, chuyên ngành. 

Để tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, song song với việc nâng chất lượng sản phẩm, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến đăng ký bảo hộ CDĐL.

Vì trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường thương mại tự do, sản phẩm chất lượng là chưa đủ, vì doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu không đáp ứng đầy đủ quy định kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.

Mặc khác, các đơn vị sản xuất kinh doanh cần nghiên cứu, nắm thông tin về trình bày, ghi nhãn theo quy định của nước nhập khẩu để tránh mắc lỗi vi phạm về hình thức. 

Liên quan đến kinh nghiệm phát triển thị trường, đổi mới sản phẩm và tài nguyên bản địa quốc gia, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia thị trường, cho rằng, khi thương mại hoá sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu, kèm theo CDĐL, cần tổ chức nhiều hoạt động tăng khả năng nhận diện CDĐL như một thương hiệu; đồng thời, có những giải pháp quảng bá hiệu quả như dành vị trí đẹp trong các hệ thống bán lẻ nội địa để giới thiệu sản phẩm có CDĐL.

Còn doanh nghiệp, không ngừng thúc đẩy tăng giá trị sản phẩm bằng việc tạo ra sản phẩm mới thông qua cải thiện mẫu mã, bao bì, nhãn mác, chứng nhận giải thưởng…

Bước ra thị trường thế giới, cần ý thức nghiêm túc CDĐL, nhân hoá các thương hiệu sản phẩm có CDĐL thông qua truyền tải thông điệp giá trị văn hoá, bản sắc địa phương để tăng sự nhận diện. 

Việc đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, đăng ký bảo hộ CDĐL là một trong những công cụ hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực và giúp sản phẩm Việt Nam thâm nhập thuận lợi vào các thị trường xuất khẩu; đồng thời, không chỉ là giải pháp về cạnh tranh trên thị trường, mà còn hỗ trợ đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa. 

"Mặc dù vậy, tính đến tháng 3/2018, Việt Nam mới triển khai bảo hộ 66 CDĐL; trong đó, có 60 CDĐL của Việt Nam và 6 CDĐL của nước ngoài.

Số lượng các sản vật được bảo hộ CDĐL, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở mức khỏang 1.000 sản phẩm. Đây là những con số vô cùng khiêm tốn so với tình hình phát triển kinh tế và hội nhập nền kinh tế thế giới của Việt Nam", ông Phạm Xuân Đà, cho biết. 

Trên thực tế, hình thành và phát triển sản phẩm CDĐL đòi hỏi phải gắn liền với đặc thù địa phương, văn hóa vùng miền, giá trị truyền thống...

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống khai thác và quản lý CDĐL, cần thành lập tổ chức, hiệp hội sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm quản lý các hộ gia đình, doanh nghiệp… về quy trình sản xuất, thu mua, chế biến… Tuy nhiên, nếu sản phẩm có CDĐL thì mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất và lợi ích kinh tế quốc gia.

Ví dụ, chả mực Hạ Long đã tăng giá bán 15% sau khi có CDĐL, cam Cao Phong tăng giá 30%... ; đồng thời, có thể thúc đẩy phát triển du lịch địa phương thông qua các chương trình lễ hội, văn hoá gắn liền với CDĐL sản phẩm. 

Với kinh nghiệm hơn 5 năm hỗ trợ phát triển CDĐL cho sản phẩm Việt Nam, bà Delphine Marrie -Vivien, chuyên gia Pháp, chỉ ra rằng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đối với quy trình sản xuất sản phẩm, vấn đề đảm bảo an toàn và chất lượng, bền vững về môi trường, đạo đức về mặt xã hội…

Tiếp theo đó, là việc có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trân trọng các giá trị truyền thống và đặc thù văn hoá vùng miền. Đặc biệt, người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm mà họ yêu thích, nếu sản phẩm đó có CDĐL đảm bảo những yêu cầu kể trên. 

Mới đây, sản phẩm dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp CDĐL, đây là tín hiệu tích cực và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển bảo hộ CDĐL cho sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cho hay trong thời gian tới, tỉnh này sẽ triển khai kế hoạch quy hoạch vùng trồng sản phẩm dừa xiêm xanh và bưởi da xanh, để nâng cao chất lượng theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sạch, hướng đến đa dạng thị trường.

Ngoài ra, khuyến khích cộng đồng sản xuất kinh doanh, người nông dân liên quan tham gia tích cực; trong đó, tăng cường vai trò của hiệp hội ngành đối với xây dựng chuỗi cung - cầu.

Đặc biệt, hỗ trợ các đơn vị sản xuất kết hợp CDĐL với thương hiệu doanh nghiệp lớn, tái cơ cấu ngành và cải thiệu cơ chế quản lý theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường và thông lệ quốc tế./. 

Nguồn: Vũ Hùng Thịnh, Bộ Công Thương