Tin tức

Khi chưa có bất kỳ 1 Hiệp định thương mại tự do/Hiệp định thương mại ưu đãi (FTA/PTA) nào với các quốc gia trong khu vực châu Phi, thì hàng hóa Việt Nam vào châu Phi sẽ phải đối mặt với những thách thức về giá khi phải cạnh tranh về thuế nhập khẩu so với các quốc gia châu Phi khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn những “điểm cộng” để thâm nhập vào thị trường tiềm năng này.

Hàng hóa Việt Nam bị cạnh tranh

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, ngày 21.3 vừa qua, tại kỳ họp bất thường lần thứ 10 của Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Phi (AU) tổ chức tại Kigali (Rwanda), 44 quốc gia châu Phi đã chính thức ký thỏa thuận thương mại tự do châu Phi (CFTA). Hiệp định CFTA sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 180 ngày, sau khi có ít nhất 22 quốc gia ký kết phê chuẩn. Với thỏa thuận trên, châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có thể tạo ra 1 thị trường chung Châu Phi với dân số 1,2 tỉ người và GDP 2.500 tỉ USD. Cùng với CFTA, các nước thành viên cam kết sẽ bãi bỏ thuế đối với hơn 90% các mặt hàng trong tương lai. CFTA đề cập đến 7 lĩnh vực ưu tiên liên quan đến thương mại như: Các chính sách thương mại, cơ sở hạ tầng, tài chính, thông tin, hội nhập thị trường, tăng năng suất và thuận lợi trong thương mại.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, tự do hóa thương mại trong CFTA làm giảm chi phí thương mại và cho phép người tiêu dùng Châu Phi tiếp cận nhiều loại sản phẩm đa dạng hơn với giá thành thấp hơn. Việc tăng cường thương mại nội khối Châu Phi sẽ giúp các nước Châu Phi có thị trường lớn hơn, đặc biệt là với hàng hóa chế tạo của các nước này. Các chuyên gia cũng nhận định rằng, CFTA có tiềm năng tăng thương mại nội khối Châu Phi lên 52% vào năm 2022 so với năm 2010. Trong đó, trao đổi hàng hóa công nghiệp ước tăng 53%.

Cơ hội để DN Việt biến khó khăn thành lợi thế

Thương vụ Việt Nam tại quốc gia này cũng bày tỏ lo ngại: Chi phí thấp hơn cho nguyên liệu nhập khẩu giữa các quốc gia trong CFTA làm tăng tính cạnh tranh của các nhà sản xuất địa phương và thúc đẩy việc tạo ra các chuỗi giá trị trong khu vực. Điều này tạo nên thách thức về giá đối với hàng hóa Việt Nam vào Châu Phi, khi phải cạnh tranh về thuế nhập khẩu so với các quốc gia Châu Phi khác, trong khi Việt Nam chưa có bất kỳ một FTA/PTA nào với các quốc gia trong khu vực châu Phi.

Tuy nhiên, về lâu về dài, CFTA dự báo sẽ góp phần cải thiện tình trạng kinh tế, xã hội tại Châu Phi, biến châu lục này trở thành khu vực sôi động hơn, tiềm năng hơn về trao đổi thương mại. Tận dụng tốt những lợi ích mà CFTA mang lại cũng là cơ hội để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới này. Theo bà Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - Châu Phi (Bộ Công thương) đối với Châu Phi, cần quan tâm nhiều hơn đến các thị trường như Algeria, Ai Cập, Nam Phi, Angola... với các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, điện gia dụng, dệt may và các máy cơ khí cho nông nghiệp, dệt may. Với dân số trên 1 tỉ người, nhu cầu gạo đối với các quốc gia Châu Phi sẽ tăng lên mạnh trong thời gian tới. Mặc dù chính phủ các nước Châu Phi đã ưu tiên phát triển nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa, song không mang lại hiệu quả và chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhập khẩu gạo đối với các nước Châu Phi cũng tốn ít chi phí hơn so với sản xuất trong nước vì họ phải đầu tư rất lớn vào hệ thống tưới tiêu; tỉ lệ dân số trong khu vực luôn tăng cao hơn so với tốc độ tăng của sản xuất nông nghiệp cũng như dân số đô thị ngày càng gia tăng khiến cho việc tự đảm bảo an ninh lương thực ngày càng khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới, Châu Phi vẫn phải tiếp tục nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước. Điều này có lợi, tạo điều kiện để các DN Việt Nam xuất khẩu mặt hàng gạo sang các quốc gia thuộc Châu Phi. Bên cạnh đó, Châu Phi cũng là thị trường có lượng thuê bao di động gia tăng nhanh nhất thế giới. Đây là cơ hội lớn cho các sản phẩm viễn thông, điện thoại thương hiệu Việt như Viettel…

Thành Long, Văn phòng BCĐLNKT