Thấy được cơ hội từ các hiệp định đã ký kết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy thương mại sang thị trường Australia...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia đạt 6,45 tỷ USD, tăng 22,7% so với kết quả thực hiện trong năm 2016.
Chuyến thăm của Toàn quyền Australia Peter Cosgrove và phu nhân tới Việt Nam từ ngày 23-26/5/2018 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ tiếp thêm những động lực mới nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Tháng 3/2018, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Đây được xem là dấu mốc mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới cũng như phát triển chiều sâu vì lợi ích của hai dân tộc.
Vì vậy, chuyến thăm lần này của Toàn quyền Australia Peter Cosgrove tới Việt Nam diễn ra ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước cũng như tạo ra những động lực mới để đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên trở nên hiệu quả và thiết thực hơn.
Australia hiện là một đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thương mại song phương giữa Việt Nam và Australia đã phát triển rất tốt trong những năm gần đây. Năm 2017, tổng kim ngạch hai chiều đạt mức kỷ lục 6,45 tỷ USD, tăng hơn 200 lần so với mức 32,3 triệu USD năm 1990.
Trong những năm qua, Australia luôn là quốc gia xếp thứ 14 hoặc 15 trong hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới với các sản phẩm xuất khẩu chính là lúa mì, thịt bò, bông và các khoáng chất như kẽm, nhôm. Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thiết bị viễn thông, hàng điện tử, giày dép, quần áo, máy tính và đồ gỗ sang Australia.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Australia đạt 3,28 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2016, chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các đối tác thương mại trong năm 2017. Nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Australia vào Việt Nam đạt 3,17 tỷ USD, tăng 30,5% so với năm 2016, chiếm 1,5% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước trong năm 2017.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận trong các năm qua, Việt Nam luôn thặng dư cán cân thương mại trong trao đổi hàng hóa với Australia; tuy nhiên, mức thặng dư cán cân thương mại lại đang theo chiều hướng giảm dần.
Tính trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 2,25 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 1,28 tỷ USD và nhập khẩu là 0,97 tỷ USD. Tính chung 4 tháng, Việt Nam thặng dư thương mại khoảng 300 triệu USD.
Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), năm 2018, Australia sẽ cắt giảm 90% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN, New Zealand xuống 0% và năm 2020, 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0%. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia.
Để tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như AANZFTA và sắp tới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy thương mại sang thị trường này.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Tiến Thịnh International, mặc dù Australia là thị trường nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng "cửa" cho các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này là không hề dễ. Bởi Australia cũng là thị trường có những quy định rất chặt chẽ, khắt khe về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật và uy tín hàng hóa.
Do đó, theo ông Tùng, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đúng với yêu cầu của thị trường mới có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu bền vững vào Australia. Rất nhiều doanh nghiệp đã mất cơ hội vào thị trường Australia do không đảm bảo chất lượng hàng hoá như đúng cam kết hoặc không đúng thời hạn như thoả thuận.
Còn theo phân tích của Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia, xuất khẩu hàng hóa vào Australia không mang lại giá trị kim ngạch cao nếu so sánh với những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhưng lại mang ý nghĩa đặc biệt bởi Australia được đánh giá là quốc gia có tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Hàng hóa vào được Australia sẽ có cơ hội rất cao để vào được các quốc gia khác.
Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT