Xuất khẩu tôm sang thị trường EU đang duy trì đà tăng trưởng khá tốt.
EU - thị trường tiềm năng
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU vẫn là thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18,2% tổng XK tôm Việt Nam. Xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng 17% đạt gần 1 tỷ USD. Trong đó, XK tôm sang thị trường EU chiếm hơn 18%, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang 3 thị trường chính trong khối (Hà Lan, Đức và Bỉ) đều tăng trưởng ở mức 2 con số. XK sang Hà Lan và Đức tăng lần lượt 76,3% và 55,3% trong khi XK sang Bỉ tăng trưởng thấp hơn đạt 18,9%.
XK tôm sang EU trong những tháng đầu năm nay vẫn duy trì được đà tăng trưởng của năm 2017. Việc XK tôm sang thị trường EU hiện khá thuận lợi do Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam gặp khó khăn trên thị trường này nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế.
Với nhu cầu tiêu thụ tăng nhờ tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với dự báo, một số sản phẩm như tôm chân trắng chế biến, tôm sú tươi/đông lạnh sẽ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng XK mạnh sang EU trong thời gian tới.
Thống kê cho thấy EU hiện là thị trường dẫn đầu của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2017 với kim ngạch 1,5 tỷ USD, trong đó tôm là mặt hàng rất tiềm năng.
Tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng mức thuế GSP từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có và hiện có mức giá hợp lý hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%.
Hưởng lợi từ EVFTA
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đang trong giai đoạn chuẩn bị có hiệu lực. Theo cam kết, sau khi Hiệp định có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.
EU chủ yếu NK tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK tôm nguyên liệu mã HS 03061100 sang EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12,5%, thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 về 0% từ mức 20% hiện tại.
Đối với sản phẩm tôm chế biến, tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) từ mức 20% hiện tại sẽ điều chỉnh về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; tôm mã HS 16052190 (tôm khác) từ 20% về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
EU chiếm khoảng 30,6% tổng giá trị NK tôm của toàn thế giới. NK tôm của EU dao động từ 6-8 tỷ USD mỗi năm. Trong 10 năm (2007-2017), NK tôm vào EU tăng từ 5,6 tỷ USD lên 6,9 tỷ USD năm 2017.
Trên thị trường EU, Việt Nam phải cạnh tranh chủ yếu với Ấn Độ và Ecuador. Trong khi Ấn Độ có xu hướng giảm XK tôm cho EU do gặp phải một số khó khăn thì Ecuador ngày càng đẩy mạnh XK sang thị trường này. Ecuador có nhiều lợi thế hơn Việt Nam trong sản xuất tôm và hiện đang được hưởng ưu đãi thuế quan 0%; giảm từ 3,6% trước đó.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong quá trình EVFTA đang được phê chuẩn, DN cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác để có kế hoạch XK phù hợp.
EU là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích là bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…Do đó, DN cần đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm để tiếp cận thị trường nhất là khi EVFTA có hiệu lực với cơ hội về thuế.
Dự đoán, 2018 sẽ là năm đầy hứa hẹn của sản phẩm tôm tại thị trường châu Âu. Ngược lại, dù là sản phẩm chủ lực trước đây, song từ khoảng ba năm trở lại đây, sản lượng xuất khẩu cá tra đã sụt giảm khá nhiều, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xác định sẽ nỗ lực để giữ thị trường châu Âu.
Thành Chung, Cổng thông tin điện tử Chính phủ