Cao su là một trong những ngành đầu tiên của Việt Nam “thấm đòn" chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi phần lớn sản phẩm cao su được xuất sang Trung Quốc phục vụ ngành sản xuất lốp xe.
Mới đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quyết định tiếp tục áp thuế với tổng giá trị 189 tỉ đô la Mỹ đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả các mặt hàng đồ gỗ và các bộ phận của ô tô.
Chính sách thuế này của chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu có hiệu lực từ 24-9-2018, với mức thuế tăng lên 25% vào thời điểm 1-1-2019 và sau đó đẩy lên cao nhất có thể lên tới 44% nếu Trung Quốc và Mỹ không có giải pháp tháo gỡ cuộc chiến này.
“Với mức thuế cao được áp dụng cho các mặt hàng linh kiện ô tô của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su chắc chắn sẽ bị tác động tiêu cực”, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách nói tại buổi công bố báo cáo chuỗi giá trị ngành cao su ngày 27-9.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam, chiếm khoảng 60% tổng lượng cao su xuất khẩu của nước ta. Hơn nữa, khoảng 70% cao su thiên nhiên đi vào ngành công nghiệp sản xuất lốp xe, do đó, xuất khẩu cao su Việt Nam sang Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hướng.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã bắt cho thấy dấu hiệu tác động của cuộc chiến giữa hai cường quốc đối với ngành cao su Việt Nam.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su đạt 870.000 tấn và 1,2 tỉ đô la, tăng 8,2% về khối lượng nhưng lại giảm 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 63,3%, 5,7% và 3,9%.
Theo báo cáo này, dù tồn kho cao su Trung Quốc giảm 3,26% so với cuối tháng 7, giá xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn tiếp tục giảm do nhu cầu thị trường thấp. “Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng góp phần làm giảm nhu cầu cao su của Trung Quốc”, trích báo cáo.
Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 8-2018 ước đạt 1.269 đô la/tấn, giảm 5,7% so với tháng 7-2018. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1.427 đô la/tấn, giảm tới gần 20% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện thị trường cao su gặp nhiều khó khăn, theo Bộ NN&PTNT, để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà sản xuất, xuất khẩu cao su cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó, đặc biệt lưu ý tới thị trường Ấn Độ.
Lũ lụt tại Ấn Độ đã gây thiệt hại lớn đến nguồn cung cao su của nước này trong những tháng vừa qua. Các nhà chức trách Ấn Độ đều cho rằng sản xuất cao su nội địa sẽ không sớm hồi phục, và các nhà sản xuất lốp xe như MRF, JK Tyre, Apollo Tyres và Ceat sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu cao su, theo Bộ NN&PTNT.
Ngành gỗ cũng điêu đứng
Gỗ cũng là một trong những ngành hàng chịu tác động lớn từ cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu giảm nhiệt giữa hai cường quốc. Thực tế, đã có những số liệu cho thấy tác động của cuộc chiến này, cả tích cực lẫn tiêu cực tới ngành gỗ của Việt Nam.
Báo cáo xuất nhập khẩu gỗ Việt Nam - Trung Quốc (Tô Xuân Phúc và cộng sự, 2018) cho thấy trong 6 tháng đầu 2018, tổng lượng gỗ xẻ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 88.800 m3, tức chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2017.
Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2018 lượng gỗ cao su xẻ xuất sang Trung Quốc giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 2.500 m3, tương đương với trên 1% lượng xuất khẩu của cả năm 2017.
“Sự sụt giảm đáng kể này rất có thể là phản ứng của các doanh nghiệp chế biến tại Trung Quốc khi các sản phẩm gỗ họ sản xuất gặp khó khi tiếp cận thị trường Mỹ", ông Phúc nói.
Tuy gặp bắt lợi tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam lại khá thuận lợi tại thị trường Mỹ. Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), một số doanh nghiệp gỗ trong hiệp hội chia sẻ các đơn hàng vào Mỹ đang có xu hướng tăng, và nguyên nhân là do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Báo cáo xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam - Mỹ (Nguyễn Vinh Quang và cộng sự, 2018) cho thấy xu hướng tiếp tục tăng trưởng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Mỹ từ 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2018.
Giá trị gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ có xu hướng tăng, ở mức trên 10%/năm, với tốc độ tăng của năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, cuộc chiến này có thể dẫn tới sự dịch chuyển trong đầu tư vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Điều này nếu xảy ra có thể sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với ngành gỗ của Việt Nam, giống như đã và đang xảy ra với ngành thép, trong tương lai”, ông Nguyễn Vinh Quang chuyên gia phân tích chính sách ngành gỗ cho hay.
Nguồn: Ngọc Hưởng, TCHN