Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chưa thể kết thúc sớm vì đó là cuộc cạnh tranh chiến lược xảy ra như một tất yếu.
Lý do của chiến tranh thương mại cũng phức tạp y hệt mối quan hệ giữa hai cường quốc đối nghịch nhau trên nhiều phương diện. Nếu nước Mỹ trở nên vĩ đại vì là “miền đất hứa” thì Trung Quốc lớn mạnh dựa vào sự nhanh nhạy, thức thời đáng kinh ngạc.
Đối đầu Mỹ - Trung vì thế khó tránh khỏi. Chiến tranh thương mại thông qua thuế quan hay chống thâm hụt thương mại, ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ…hay bất cứ lý do gì thì đây cũng chính là cạnh tranh chiến lược.
Cạnh tranh chiến lược là cuộc chiến dài hơi, thắng hay thua có tính chất quyết định ai đủ thực lực định đoạt lại thương mại toàn cầu, kéo theo là “cầm trịch” về chính trị, quân sự. Vì vậy đã đến lúc hai bên đã không còn dấu diếm ý đồ.
Và đến bây giờ, mục đích của chiến tranh thương mại còn đáng sợ hơn, điều mà Nhà trắng quan tâm nhất không phải là thuế quan 20% mang lại những gì cho ngân sách nước Mỹ, mà mục đích của nó là làm suy yếu kinh tế Trung Quốc, qua đó củng cố thế lực của Mỹ.
Nếu cần thu thuế, người ta không thể làm cho “người đóng thuế” mất khả năng chi trả, đòn đánh của Donald Trump có tính chất sát thương rất lớn, trực diện nhằm vào doanh thu của các công ty Trung Quốc.
Sau Trung Quốc đến lượt Nhật Bản, Nga có thể vướng vào vòng xoáy chiến tranh thương mại với Mỹ bằng việc đánh thuế vào ôtô nhập khẩu từ đồng minh ở Châu Á…
Liệu nước Mỹ sẽ khởi xướng thời kỳ không còn tự do thương mại? Tức là các FTA không còn là chính sách tối ưu của Mỹ với tất cả các quốc gia, mà được chọn lựa cẩn thận hơn.
Trong cuộc cạnh tranh chiến lược này, nhiều chiến thuật đã được hai bên áp dụng, nếu Mỹ liên tiếp công bố các gói thuế mới nhằm vào hàng Trung Quốc thì phía Bắc Kinh đáp trả bằng cuộc tập trận chung Vostok 2018 với Nga; tham gia với "quân số" đông nhất tại Diễn đàn kinh tế phương Đông và tiến tới ký kết tự do thương mại với Singgapore trong năm nay.
Đến thời điểm này, Trump vẫn giành thế chủ động trong cuộc chiến này đều đặn thông qua các gói thuế và chuẩn bị kịch bản cho “đợt tấn công thứ ba” có trị giá hàng hóa quy tiền lớn hơn rất nhiều.
Ngoài các yếu tố chớp cơ hội nắm bắt thị trường, cuộc chiến này là chiếc “van xả” tốt nhất cho căng thẳng giữa các nước lớn, tránh xảy ra xung đột quân sự.
Liệu chiến tranh thương mại có làm xuất hiện “chiến tranh lạnh”? Về lý thuyết, khi căng thẳng không thể tìm được tiếng nói chung giữa các “phe” với nhau thì chiến tranh lạnh bắt đầu.
Nhưng bối cảnh thế giới mới rất khó nảy sinh chiến tranh lạnh; cục diện toàn cầu kể từ sau hai cực Ianta là “đa cực”, ngoài Mỹ, Nhật và Tây Âu bây giờ xuất hiện rất nhiều quốc gia hoặc nhóm quốc gia có thể tạo thành một cực; Trung Quốc, Ấn Độ mới nổi; Asean ngày càng quan trọng; Mỹ Latin không còn duy nhất nước Mỹ…
So với những năm sau thế chiến thứ II, hiện nay có hàng trăm hiệp định tự do thương mại được ký kết, rất nhiều mối quan hệ song phương giữa Đông - Tây, Âu - Á được nâng tầm đối tác chiến lược, toàn diện; lằn ranh thế giới phân cực không còn rõ rệt.
Chiến tranh lạnh vào thời điểm toàn cầu hóa trói buộc hầu hết các quốc gia thành một khối còn tàn phá kinh khủng hơn bất kỳ loại vũ khí tối tân nào.
Nhưng xung đột quân sự giữa các siêu cường là khả năng luôn bị để ngỏ, có nhiều tác động dẫn đến kết cục này. Một khi chiến tranh thương mại không còn đường ra, tức là thiệt hại kinh tế không thể bù đắp trên bàn đàm phán, thì cũng không loại trừ khả năng xung đột quân sự.
Thực tế Nga - Mỹ đã đối đầu quân sự ở Syria, kịch bản chiến tranh có mục tiêu được diễn tập hàng năm. Chiến tranh thương mại chưa thể kết thúc sớm vì đó là cuộc cạnh tranh chiến lược.
Nguồn: Thành Chung, Cổng Thông tin ĐT Chính phủ