Ông Jasem Abomarzouq, Phó Tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TPHCM, lưu ý nét đặc trưng của Kuwait và các nước GCC là văn hóa Ả rập, ngôn ngữ Ả rập và đạo Hồi chính thống, từ đó các doanh nghiệp (DN) cần có các sản phẩm xuất khẩu phù hợp theo tiêu chuẩn chất lượng của đạo Hồi. Ngoài ra, các DN đều phải chú ý yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn Halal.
Ngày 25-9, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Kuwait tại TPHCM tổ chức hội thảo “Hành trình đến với thị trường Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Kuwait”.
UAE nằm bên bờ vịnh Ba Tư, là nền kinh tế lớn thứ 2 ở Trung Đông. Thị trường này có khả năng thanh toán cao, là địa bàn trung chuyển lớn nhất tại khu vực, có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng, với kim ngạch nhập khẩu năm 2017 khoảng 265 tỷ USD.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2017 chỉ đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần. Theo thông tin tại hội thảo, nhóm hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam đã bước đầu có mặt tại thị trường UAE, có mức tăng trưởng tốt do nhu cầu xây dựng tại UAE ngày càng tăng cao.
Số lượng dự án tại UAE chiếm khoảng 30% tổng số các dự án đang được triển khai tại Trung Đông. Nhiều khoản đầu tư lớn được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch và giải trí, chủ yếu tại Abu Dhabi và Dubai.
Hơn nữa, Dubai đã giành được quyền đăng cai Expo 2020, với mức đầu tư hạ tầng 7 tỷ USD sẽ góp phần đưa thị trường xây dựng phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Nhóm nông, thủy sản gồm các mặt hàng gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cá tra, cá ba sa, tôm đông lạnh… là những mặt hàng có lợi thế, bởi UAE không chỉ là thị trường tiêu dùng khá tốt mà còn là trung tâm tái xuất nông sản của cả khu vực Trung Đông và châu Phi.
UAE là quốc gia tái xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhờ vị trí địa lý, hạ tầng dịch vụ phát triển và luật lệ thương mại thông thoáng, nên được xem là một cửa ngõ quan trọng cho xuất khẩu gạo.
Năm 2013, UAE từng nhập khẩu gạo với kim ngạch đạt mức kỷ lục 2 tỷ USD, trong đó gạo tái xuất chiếm 93%.
Mỗi năm, UAE nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo các loại. Gạo (jasmine) của Việt Nam được ưa chuộng tại UAE. Thủy sản Việt Nam cũng đã có chỗ đứng tại UAE, đặc biệt là mặt hàng cá da trơn.
UAE có nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng thực phẩm và rau quả tươi, do điều kiện khí hậu không thuận lợi cho trồng trọt. Các mặt hàng rau quả có khả năng đẩy mạnh gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt, hồng xiêm đang được bán tại các siêu thị với giá tốt.
Kuwait là quốc gia giàu có tại khu vực Trung Đông, phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa, do vậy nhu cầu nhập khẩu tương đối lớn và đa dạng, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 30 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Kuwait mới chỉ đạt khoảng 70 - 75 triệu USD/năm (khoảng 0,25% thị phần). Tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang Kuwait còn rất lớn, tập trung vào một số mặt hàng như nông lâm thủy sản, quần áo, đồ gỗ, trầm hương, hương liệu, lụa cao cấp, ngọc trai cao cấp, than củi, vật liệu xây dựng (đá marble, granite trắng)…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Văn phòng chứng nhận Halal, nhận định thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam, không có nhiều các rào cản kỹ thuật và thuế quan, nhưng hầu hết các sản phẩm phải có chứng nhận Halal.
Chứng nhận Halal là chương trình đánh giá để xác nhận rằng những sản phẩm, dịch vụ cụ thể không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal.
Tùy theo thị trường xuất khẩu mà DN tìm hiểu quy định về chứng nhận Halal, như: quy định Malaysia; quy định của Các nước Vùng Vịnh GCC (2017); quy định Indonesia; quy định UAE (GAC+ESMA).
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, đơn vị sẽ hỗ trợ DN khảo sát thực tế thị trường, nhu cầu tiêu dùng về lĩnh vực, ngành hàng mà DN có định hướng xuất khẩu sang UAE và Kuwait; tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giao thương giữa DN TPHCM với DN, các nhà mua hàng, đại diện kênh phân phối tại UAE và Kuwait một cách chặt chẽ hơn.
ITPC có thể hỗ trợ việc đưa hàng vào các siêu thị, sắp xếp các buổi làm việc, tìm kiếm cơ hội xuất hàng vào các chuỗi siêu thị lớn nhất của Dubai như Al Maya, Choithrams, Westzones…
Nguồn: Ngọc Hưởng, TCHN