Tin tức

Tính đến hết tháng 7-2018, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nga vẫn thặng dư, nhưng mức xuất siêu đã giảm tới 39% so với cùng kỳ năm trước và điều khác biệt đó đến từ lúa mì và than đá.

Xuất khẩu: hạn ngạch và hàng rào kỹ thuật

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, thương mại hai chiều giữa Nga và Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên trong bảy tháng đầu năm đạt 2,67 tỉ đô la Mỹ, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga đạt 1,47 tỉ đô la (tăng 21%) và nhập khẩu đạt 1,2 tỉ đô la (tăng 55%).

Kể từ năm 2011 đến nay, Việt Nam luôn xuất siêu sang Nga. Đỉnh điểm là vào năm 2013 với thặng dư thương mại của Việt Nam đạt gần 1 tỉ đô la Mỹ. Con số này tuy có giảm trong những năm sau đó nhưng đã tăng khá mạnh trở lại vào năm 2017, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2016 và Nga là thị trường chiếm 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam qua liên minh này.

Bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn xuất siêu 265 triệu đô la sang Nga, nhưng theo đánh giá của Tổng cục Hải quan thì mức xuất siêu này đã giảm đến 39% do tốc độ gia tăng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nga nhanh hơn tốc độ xuất khẩu. Hay nói khác đi, EAEU đã có những ảnh hưởng tốt cho phía Nga nhiều hơn là Việt Nam.

Thống kê của hải quan còn cho biết, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Nga trong năm 2017 là 2.002 doanh nghiêp và bảy tháng đầu năm nay tăng lên 2.042, nhưng giá trị xuất khẩu sang Nga không vì thế mà tăng hơn trước, thậm chí giảm mạnh so với nhập khẩu.

Nhìn vào bảng thống kê chính thức, Việt Nam xuất sang Nga nhiều nhất là điện thoại và linh kiện điện tử (trị giá 710 triệu đô la Mỹ, chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu). Tiếp đến là các sản phẩm máy vi tính, điện tử, cà phê, hàng dệt may, giày dép, thủy sản... Riêng xuất khẩu hàng dệt may giảm do phía Nga áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng (áp hạn ngạch nhập khẩu như các quy định trong EAEU nếu hàng hóa Việt Nam vào các nước trong EAEU vượt ngưỡng khối lượng xuất khẩu hàng năm chịu thuế 0% cho phép). Sản phẩm dệt may (đồ lót và quần áo trẻ em) đã chịu mức áp hạn ngạch này từ 14-3 đến 14-9-2018 nên ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu sang Nga (mới đạt 94 triệu đô la qua bảy tháng).

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh xuất khẩu sang Nga thì thấy chỉ xuất khẩu hàng của các doanh nghiệp FDI (sản xuất điện thoại, điện tử và linh kiện) như Samsung là điểm sáng. Hơn 2.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác chia nhau thị phần nhỏ bé và manh mún của thị trường.

Ví dụ như hàng thủy sản của Việt Nam, hiện chỉ có hơn 20 doanh nghiệp được phép xuất thường xuyên kể từ năm 2015. Tuy nhiên, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga chưa ký được thỏa thuận hợp tác về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật nên tình trạng cho phép và tạm dừng sẽ thường xuyên xảy ra.

Thực tế, có hơn 3.000 mặt hàng được phía EAEU, đặc biệt là Nga, miễn thuế cho Việt Nam khi hiệp định này có hiệu lực từ cuối năm 2016, nhưng xét đến từng mặt hàng thì con đường vào Nga khó có thể tăng đột biến. Chưa kể đến những khó khăn về chi phí vận tải và phương thức thanh toán.

Nhập khẩu: gió đang đổi chiều

Tốc độ nhập khẩu hàng hóa từ Nga về Việt Nam đã tăng đến 55% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này thì lúa mì nhập khẩu tăng đột biến, gấp 32 lần cùng kỳ năm trước và chiếm đến 30% tổng giá trị nhập khẩu (358 triệu đô la). Tiếp đến là than đá, tuy Việt Nam mới bắt đầu nhập mặt hàng này của Nga từ năm 2014, nhưng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga sang Việt Nam với 145 triệu đô la Mỹ chỉ trong bảy tháng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lúa mì lại là mặt hàng phía Nga đột nhiên xuất sang Việt Nam được số lượng lớn như vậy?

Theo Trung tâm Nghiên cứu Agro Monitor, lúa mì Nga bắt đầu được nhập về Việt Nam từ giữa năm 2016, trước khi có hiệp định EAEU. Việc ký hiệp định này giúp thuế nhập khẩu từ Nga về Việt Nam giảm xuống còn 0% khiến lúa mì Nga tràn vào Việt Nam. Năm 2017, Nga thành đối tác lớn thứ ba của Việt Nam về nhập khẩu lúa mì cũng như mặt hàng thức ăn chăn nuôi sau Argentina và Canada. Sang năm 2018, khi giá từ hai thị trường kia tăng mạnh và nguồn cung khan hiếm trong khi Nga được mùa, nên lúa mì Nga vươn lên dẫn đầu.

Với than đá, Nga bắt đầu xuất sang Việt Nam từ năm 2014 và chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn là 8% tổng lượng than nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng con số này đã tăng nhanh chóng vào các năm sau và có lúc đã đạt tới 28%. Một nhà nhập khẩu than cho biết, nguồn nhập từ Nga hai năm trở lại đây có giá tốt hơn và chi phí vận tải từ Viễn Đông về Việt Nam rẻ hơn so với từ Úc về nên doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu từ Nga.

Cùng với sự ra đời của nhiều nhà máy nhiệt điện than lớn, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam cũng tăng mạnh. Năm ngoái, Việt Nam đã nhập gần 14,5 triệu tấn than đá, trị giá 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 5 lần so với năm 2014. Theo Quy hoạch phát triển ngành than được Chính phủ phê duyệt năm 2016, nhu cầu nhập than chỉ tính riêng cho ngành điện sẽ tăng lên 25,5 triệu tấn vào năm 2020; 72,5 triệu tấn năm 2025 và 90,3 triệu tấn năm 2030. Đó là một con số khổng lồ. Với nhu cầu nhập than đang tăng mạnh như vậy, nhiều khả năng chỉ trong thời gian ngắn nữa cán cân thương mại Việt - Nga sẽ đổi chiều.

Ngọc Hưởng, TCHN