Tin tức

ại Hội thảo “Xúc tiến thương mại nông sản, thực phẩm sang các thị trường EU và Nhật Bản” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức sáng nay, 7/8, các chuyên gia đánh giá, xuất khẩu sang thị trường EU có rất nhiều cơ hội song cũng vô vàn khó khăn, thách thức.

Cánh cửa mở rộng…

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, Việt Nam có rất nhiều thế mạnh về sản phẩm nông sản, có thể sản xuất đa dạng các sản phẩm nông nghiệp có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao. Hiện nông sản nước ta đã có mặt tại hơn 160 nước và có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ đô la như café, gạo, điều, rau quả…

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết, EU hiện vẫn là thị trường hàng đầu của nông sản Việt Nam. Trong đó, Đức đang là thị trường tiêu thụ lớn nhất khi chỉ trong 6 tháng, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đạt 452 triệu USD, Hà Lan đạt 443 triệu USD, Anh đạt gần 260 triệu USD…

Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang châu Âu có mức độ tập trung cao về chủng loại sản phẩm. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ đạo như thủy sản, đồ gỗ, rau quả, gạo, café, chè…chiếm tới 88,3% kim ngạch.

“Tiềm năng xuất khẩu của nước ta sang EU còn rất lớn, dư địa để mở rộng thị trường còn nhiều. Bởi theo nghiên cứu, nhu cầu về sản phẩm nông sản của thị trường này đang tăng, trong khi đó, người tiêu dùng rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản nhiệt đới”, ông Quân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hiện kinh tế một số nước thành viên trong khối đang dần hồi phục, kéo theo đó là nhu cầu nhập hàng hóa cũng sẽ tăng theo. Đồng thời, EVFTA được ký kết và phê chuẩn sẽ là bệ phóng cho xuất khẩu Việt Nam vào EU. Điển hình như gạo vào EU sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan riêng; thuế nông sản giảm sâu từ 0-5% trong vòng 7-10 năm; các quy định SPS được hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy nông sản…

Mặt khác, hiện các đối thủ khó khăn về sản xuất và thị trường. Ví như đối thủ “đáng gờm” của Việt Nam là Thái Lan hiện đang ngừng nhập khẩu tôm Ấn Độ nên sẽ giảm nguồn cung cho xuất khẩu. Đặc biệt, Ấn Độ đang phải chịu tần suất kiểm tra 50% khi xuất khẩu sang EU và đang đối mặt với nguy cơ bị EU cấm…

Quá nhiều "rào cản"

Tuy nhiên, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng thẳng thắn thừa nhận, nền xuất khẩu nông sản nước ta vẫn đang tồn tại rất nhiều hạn chế. Trong đó phải kể đến hạn chế về năng lực chế biến chuyên sâu.

”Điều đáng tiếc nhất là hầu như chúng ta mới chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, chưa qua chế biến, chưa phát triển được về thương hiệu nên giá trị mang lại chưa cao. Dù xuất khẩu khá nhiều về số lượng mà giá trị về kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận phải chia sẻ cho các bên trung gian”, ông Lang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, có thể thấy, càng hội nhập sâu càng có nhiều cơ hội, nhưng cũng gia tăng những thách thức. Doanh nghiệp phải đối mặt với một loạt các vấn đề về cạnh tranh thị trường, các biện pháp bảo hộ thông qua những hàng rào kỹ thuật như quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn chất lượng, các thủ tục kiểm tra… khắt khe hơn ở các thị trường nhập khẩu.

Đơn cử như đối với sản phẩm hồ tiêu, trên thị trường EU Việt Nam và Indonesia là hai nguồn cung hồ tiêu lớn nhất, với kim ngạch đạt 40.000 tấn mỗi năm, chiếm 53% nhu cầu tại thị trường EU. Chỉ tính trong 6 tháng, lượng hồ tiêu xuất khẩu vào EU đạt 62 triệu USD. Tuy nhiên, hiện EU đang cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, do đó một số nước trong khối EU đang chuyển sang nhập hồ tiêu từ Ấn Độ và Brazin.

Bên cạnh đó, mặt hàng rau quả hiện cũng bị EU rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi lớn đến tiến độ xuất khẩu. Điển hình, hiện tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20% và các loại rau gia vị tăng 50%...

“Hiện nay EU đang dự thảo quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị… Và khi áp dụng các quy định này các sản phẩm của Việt Nam sẽ “vấp” phải khó khăn rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu…”, ông Quân cho biết.

Ngoài ra, hàng thủy sản của nước ta hiện vẫn đang bị đưa vào diện cảnh báo "vàng" trong quy chế IUU – EU tiếp tục giám sát chặt chẽ đến tháng 10 năm nay. “Như chúng ta đã biết, nước bị thẻ vàng có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU sẽ bị chuyển sang áp dụng thẻ đỏ. Mặt khác, các nhóm môi trường có thể lợi dụng vấn đề này để vận động cản trở FTA, hoặc khi có FTA mà Việt Nam không được xuất khẩu thủy sản thì sẽ rất bất lợi”, ông Quân nhấn mạnh./. 

Nguồn: Mai Thủy, Bộ Công Thương