Một nền kinh tế có định hướng xuất khẩu như Việt Nam, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong nước đưa hàng hóa ra thế giới. Tuy nhiên, để tiếp cận các thị trường nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện đang phải chịu nhiều rào cản, trong đó có các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ các nước.
Thuế giảm, hàng rào thương mại tăng
Từ đầu năm 2017 đến nay, những thách thức trước sự trỗi dậy của làn sóng bảo hộ mậu dịch ngày càng lớn và tác động đến kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ việc Anh rút khỏi thị trường chung châu Âu, Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) đến hàng loạt các biện pháp bảo hộ hàng hóa của nhiều quốc gia. Chính phủ Mỹ đưa ra thông điệp ưu tiên sử dụng hàng hóa, lao động trong nước, tạo thuận lợi cho đầu tư trong nước... Chính phủ nhiều nước cũng đang thực hiện chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước để thay thế hàng nhập khẩu, thắt chặt các quy định về tỷ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi kinh tế thế giới đi vào giai đoạn giảm tốc, thường xuất hiện các biện pháp bảo hộ mậu dịch. Đặc biệt, khi hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang dần được gỡ bỏ thông qua các FTA thì để bảo hộ sản phẩm trong nước, các nền kinh tế lớn có xu hướng dựng lên những rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu, mà biện pháp hữu hiệu nhất là PVTM. Đó có thể là những rào cản về các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm; không ít các trường hợp là PVTM chống bán phá giá, chống trợ cấp; chưa kể đến các hàng rào mới xuất hiện gần đây mà Việt Nam chưa phải đối mặt trực diện, là các rào cản về lý do an ninh, quốc phòng.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: "Các biện pháp PVTM chống bán phá giá, chống trợ cấp vẫn là thách thức lớn và hậu quả lâu dài, khó lường với các DN Việt Nam. Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của hơn 100 cuộc điều tra PVTM chống bán phá giá, chống trợ cấp, trong đó, điều tra chống bán phá giá 78 vụ, 12 vụ điều tra chống trợ cấp và 17 vụ điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá".
Hoa Kỳ là một trong những bạn hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng là nơi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá thì thị trường Hoa Kỳ chiếm 20%; 1/2 số vụ điều tra chống trợ cấp là ở thị trường Hoa Kỳ; tiếp đến là Ấn Độ, Australia, EU, Thổ Nhĩ Kỳ...
Theo tính toán của VCCI, trong tổng số 78 vụ điều tra chống bán phá giá mà Việt Nam đã, đang phải đối mặt, có 30 vụ liên quan đến mặt hàng thép; gần 3/4 các vụ điều tra chống trợ cấp liên quan đến thép. Nhóm các mặt hàng nông, thủy sản chỉ chiếm 4 vụ. Đây không phải là số lượng lớn, nhưng sẽ là vấn đề đáng quan ngại, bởi hiện nước ta đang đặt mục tiêu đưa hàng hóa nông sản trở thành sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn. Bà Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định: "Một nội dung thường không được thống kê trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, đó là kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, các vụ kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá được tính vào vụ kiện gốc. Có nghĩa, hàng hóa của một quốc gia khi bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp sẽ bị áp thuế. Để lẩn tránh mức thuế này thì hàng hóa của nước xuất khẩu phải đi theo những con đường khác nhau để đến nước nhập khẩu đang áp thuế. Khi quốc gia nhập khẩu nhận thấy tình trạng này, thì sẽ tiến hành các vụ điều tra để chống lẩn tránh thuế và không tính là vụ kiện mới. Nhưng nếu Việt Nam có liên quan khi là quốc gia bị kiện, thì đây sẽ là vụ mới và bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế".
Nâng cao năng lực tự vệ cho các doanh nghiệp
PVTM mang tính hai chiều. Thứ nhất, hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại các thị trường nước ngoài. Thứ hai, hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam thì chúng ta cũng có thể áp dụng các biện pháp tương tự. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang: Nếu như hàng hóa xuất khẩu của nước ta gặp khó ở thị trường nhiều nước, thì dường như hàng hóa nhập khẩu vào nước ta tương đối dễ dàng, bởi các biện pháp PVTM của Việt Nam còn khá đơn giản. Đến nay, Việt Nam mới thực hiện 9 vụ điều tra PVTM, trong đó có 3 vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thép và 6 vụ thực hiện bằng biện pháp áp thuế tự vệ.
Hiện nay, trào lưu bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương vẫn tiếp tục song hành với tiến trình tự do hóa thương mại và có xu hướng ngày càng gia tăng. Điển hình như tại thị trường Hoa Kỳ, quốc gia này đã khởi xướng điều tra 56 vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp trong năm 2016; trong năm 2017 tăng lên 73 vụ và gần 60 vụ chỉ trong 6 tháng của năm 2018. Hiện, Hoa Kỳ có hơn 400 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp có hiệu lực, trong đó 10 lệnh liên quan đến Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thép.
Phần lớn các vụ kiện PVTM đều do các DN sản xuất nội địa khởi xướng, bởi họ lo ngại bị đe dọa trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, khi sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu càng lớn thì nguy cơ bị kiện cũng càng nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng: "Các vụ việc áp dụng PVTM đặt ra nhiều thách thức cho xuất khẩu, song cũng giúp DN nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp quốc tế, thay đổi chiến lược để phát triển bền vững. Ngoài ra, các DN xuất khẩu cũng cần nghiên cứu, bố trí thị trường xuất khẩu hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một số thị trường, gây ra tình trạng xuất khẩu tăng đột biến, tạo cớ cho các nước nhập khẩu hàng hóa tiến hành khởi xướng điều tra".
PVTM là vấn đề pháp lý, hoàn toàn dựa trên những bằng chứng, hồ sơ, tài liệu có được trong quá trình điều tra. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nhà sản xuất, các DN xuất khẩu nước ta tham gia hiệu quả vào các cuộc điều tra, nếu bị kiện. Làm thế nào để có thể thuyết phục cơ quan điều tra các nước nhìn nhận rõ thực tế, đưa ra được các bằng chứng xác thực để có kết quả có lợi nhất cho DN Việt Nam. Trong số các vụ kiện PVTM từ trước đến nay, điểm dễ nhận thấy là công tác kháng kiện của một số ngành hàng, DN chưa hiệu quả. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kháng kiện thành công một vụ việc không đơn giản, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa DN, hiệp hội và Chính phủ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các DN Việt Nam cần chủ động nâng cao nhận thức để có những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, về các thị trường mà mình đang xuất khẩu. Cần chuẩn bị trước về kiến thức, hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch, rõ ràng và phù hợp để khi cần thì có thể chứng minh được dễ dàng hơn. Cùng với đó, DN cần chú trọng hơn đến PVTM để kịp thời phòng, tránh các tác động từ PVTM, gây thiệt hại cho DN; chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin pháp luật, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, phối hợp với các bên liên quan trong quá trình theo đuổi các vụ kiện PVTM để chứng minh hoạt động xuất khẩu của DN phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Nguồn: Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT