Tin tức

Thứ nhất, CPTPP là sự tiếp nối của các thành công trước đây của các FTA mà Việt Nam đã ký, cho nên nó không quá mới, mà là sự kế thừa và phát triển của chính sách mở cửa và hội nhập suốt mấy mươi năm qua, đúng như nhận định của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về thương mại và kinh tế quốc tế. Khi đã là “cựu binh” trong các cuộc chơi các FTA thì điều cần nhất là phải biết mình là ai, bạn là ai để khai thác tối đa các cơ hội theo nguyên tắc win-win cùng thắng.

Thứ hai, CPTPP giữ nguyên phần lớn các cam kết trong TPP trừ khoảng vài chục nghĩa vụ hoãn thực hiện. Với TPP có Mỹ, khu vực tự do thương mại chiếm 40% GDP toàn cầu sẽ giảm xuống chỉ còn 13% trong CPTPP nhưng với Việt Nam, ký CPTPP sẽ mở ra một số thị trường mới hấp dẫn là Canada, Mexico và Peru. Với 7 thị trường còn lại khác, các cam kết mở cửa với thuế suất ưu đãi hơn so với các FTA đã ký ví dụ như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore,... Các cam kết thuế quan trong Hiệp định này là rất lớn, cụ thể, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 75-95% dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế trong vòng 5-10 năm tiếp. Đây là các lợi thế mà các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam sẽ không có được với các thị trường mới này.

Thứ ba, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được lợi ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc 3-5 năm sau đó như nông sản, thủy sản, một số hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su. Ví dụ với Canada, dệt may sẽ xóa bỏ 100% thuế suất vào năm thứ 4, giày dép đa số sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với Nhật Bản, 98,8% số dòng thuế dệt may, tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào nước này sẽ xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Mặt hàng thủy sản và cá, tôm đông lạnh, tôm chế biến, nghêu, vẹm, cá tra sẽ được Nhật Bản, Canada và một số thành viên khác sẽ xóa bỏ ngay. Các thành viên của nhiều hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Viêt Nam  (VASEP) đã sẵn sàng cho việc khai thác ngay lợi thế này khi Hiệp định có hiệu lực ông Nguyễn Hoài Nam Phó Tổng thư ký VASEP cho biết như vậy.

Thứ tư, đổi lại, Việt Nam cũng phải cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế với gần 66% có thuế suất bằng 0% sau khi Hiệp định có hiệu lực, 86,5% sau năm thứ tư, 97,8% vào năm thứ 11. Tuy nhiên, đối với một số sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, lộ trình xóa bỏ thuế sẽ “dễ thở” hơn, ví dụ thịt gà xóa bỏ thuế vào năm thứ 11, thịt lợn tươi vào năm thứ 10 và thịt lợn đông lạnh vào năm thứ 8. Đây cũng là lý do khiến vị đại diện của Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng với  CPTPP, tuy đã hết sợ  nhưng dù sao thì vẫn hãy còn lo .

Thứ năm, các cam kết dịch vụ và đầu tư cơ bản vẫn giữ nguyên như trong TPP. Những cam kết đó tạo thuận lợi cao nhất cho các nhà đầu tư trong khối so với các cam kết trong gần 70 Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương trước đó hoặc các FTA gần đây mà Việt Nam đã ký. Thậm chí, không chỉ so với Việt Nam mà so với thế giới đây cũng là những chuẩn mực tiên tiến về đầu tư như nhận xét của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI. Mặt khác, đây cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực xây dựng các qui định pháp luật mà quan trọng hơn là ở hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, trong việc chọn lọc vốn đầu tư, đối xử bình đẳng theo hướng không để các nhà đầu tư nội chịu thiệt thòi. Cạnh tranh trong các lĩnh vực dịch vụ sẽ cao , Việt Nam phải mở cửa rộng kể cả trong lĩnh vực phân phối, viễn thông, logistic…

Thứ sáu, có CPTPP không có nghĩa là các nước thành viên trong Hiệp định sẽ giảm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp rào cản kỹ thuật (TBT). Đây là các công cụ mà theo qui định của WTO, các thành viên WTO có quyền áp dụng khi có vi phạm. Điều này cũng sẽ được áp dụng tương tự như trong CPTPP. Do đó, một mặt, các doanh nghiệp của Việt Nam cần chú ý khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước thành viên, cần theo dõi các động thái của các đối thủ, của các chính phủ tại các thị trường này để có kế hoạch chuẩn bị cho các kịch bản bị áp thuế hoặc rào cản kỹ thuật. Mặt khác, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng như các cơ quan quản lý thương mại trong nước cần có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, kịp thời và phù hợp để bảo vệ thị trường nội địa bao gồm các vbieejn pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp TBT.

Thứ bảy, bài học từ các FTA trước đây đối với doanh nghiệp Việt không bao giờ là cũ. Chúng ta đã chưa khai thác hết các lợi thế xuất khẩu của FTA đã ký trong khi đó, trên sân nhà đã để một số hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài lấn lướt chưa có điểm dừng. Trừ một số mặt hàng vốn là thế mạnh xuất khẩu  truyền thống từ nhiều năm nay như thủy sản, dệt may, giày dép, điện tử đang khai thác được lợi thế hội nhập, mặc dù tới đây sẽ phải gặp những thách thức rất lớn về nhân lực thời kỳ 4.0, phần lớn các ngành hàng khác đang yếu thế, các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp chưa thực sự phối hợp với các cơ quan chức năng để khai thác các lợi thế mở cửa thị trường hoặc ráo riết chuẩn bị đối phó cạnh tranh trên thị trường nội địa, trên cả ba mặt trận thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Toàn Thắng, CIEM