Tin tức

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 01 năm 2007. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một mốc mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) của nước ta, mở ra một giai đoạn mới: nền kinh tế nước ta hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới

Chúng ta bắt đầu triển khai các cam kết WTO trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy giảm nghiêm trọng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ giữa năm 2008, tiếp đó là khủng hoảng nợ công châu Âu vào cuối năm 2009. Vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ WTO lâm vào bế tắc, các liên kết song phương và khu vực đang có xu hướng phát triển cùng với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy tại nhiều nước… Những biến động của kinh tế thế giới đã có những tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước và làm nảy sinh những quan điểm trái chiều về hội nhập. Trong bối cảnh đó, Đảng ta vẫnkiên trì giữ vững chủ trương tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, coi đó là xu thế tất yếu, khách quan của thời đại. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011), chủ trương hội nhập đã được khẳng định và nâng lên môt tầm cao mới: “triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”. Theo đó, hội nhập giờ đây không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác tuy nhiên hội nhập kinh tế vẫn được coi là nội dung quan trọng nhất. Với chủ trương hội nhập quốc tế thì HNKTQT cần là trọng tâm, phối hợp với các lĩnh vực khác như chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội... để một mặt phát triển được một nền kinh tế mở, phù hợp với xu hướng chung của thế giới song mặt khác vẫn đảm bảo được nền kinh tế độc lập tự chủ, đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình phát triển theo định hướng đã lựa chọn, đồng thời phát huy được vai trò, đóng góp của đất nước đối với hoà bình, phát triển của khu vực và thế giới.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, tình hình hội nhập kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn sau khi gia nhập WTO cho tới thời điểm hiện nay có các nét chính sau:

Nhằm triển khai các cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách chính sách thương mại theo hướng ngày càng minh bạch và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế. Việc cải cách này thể hiện ở các cam kết đa phương về pháp luật và thể chế cũng như các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ. Trong vòng 5 năm sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng mới và hoàn thiện trên 30 bộ luật; có tới hơn 400 văn bản pháp luật liên quan đến 300 loại giấy phép kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau đã được rà soát, đánh giá và loại bỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc lộ trình mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ theo cam kết của WTO. Năm 2013, Việt Nam đã hoàn thành Phiên rà soát chính sách thương mại lần đầu tiên trong WTO. Cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong quá trình cải cách, hoàn thiện chính sách và thực thi các cam kết để phù hợp với quy định của WTO.

 Với tư cách thành viên WTO, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán trong khuôn khổ WTO ở các nội dung có liên quan đến Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp, sở hữu trí tuệ ... và đóng góp tiếng nói bảo vệ quyền và lợi ích của các nước đang phát triển. Tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 (2013), Việt Nam cùng các thành viên WTO đã thông qua Gói cam kết thương mại Bali - một thỏa thuận lịch sử khai thông bế tắc trong đàm phán WTO, gồm 10 Hiệp định với 3 nhóm nội dung là nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại và thương mại và phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia vào các cuộc đàm phán song phương với các nước thành viên và các nước chưa là thành viên về mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ trong WTO, trong đó có đàm phán với Liên bang Nga và một số đối tác kinh tế truyền thống của Việt Nam.

Việt Nam cũng đang tận dụng hiệu quả Chương trình hỗ trợ thương mại của WTO (AfT). Gần đây, OECD, tổ chức đồng triển khai AfT cùng với WTO đã lựa chọn Việt Nam là một trong số các quốc gia để tiến hành nghiên cứu điển hình về AfT và qua đó tiếp tục đưa ra các định hướng thúc đẩy hoạt động này cho Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN nỗ lực thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua việc triển khai đầy đủ Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), thúc đẩy triển khai Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định thương mại hàng hóa (ATIGA), hoàn tất bản chào Gói 8 về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS)… Trong quá trình này, tỷ lệ thực thi các biện pháp nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC của Việt Nam đạt trên 80%, ở mức cao so với tỷ lệ thực hiện chung của ASEAN.

            Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN cũng đang đẩy mạnh hợp tác ngoại khối ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc- Niu Dilan. Cùng với việc tiếp tục thực hiện và nâng cấp các FTA đã ký với các đối tác, Việt Nam và các nước thành viên đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt được một thỏa thuận hợp tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi; thiết lập một môi trường thương mại và đầu tư mở để tạo điều kiện mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực; góp phần nâng cao vai trò của ASEAN và đóng góp của ASEAN vào tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu.

     Ngoài ra, Việt Nam còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam; hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS); hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS); Hợp tác Mê Công - Nhật Bản, Mê Công – Hàn Quốc, Mê Công – Sông Hằng.v.v.

Trong khuôn khổ hợp tác APEC, đối với Việt Nam, APEC là khu vực chiếm tới 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% tổng số khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Hầu hết các đối tác chiến lược quan trọng và các đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam là các nền kinh tế thành viên của APEC. Với tất cả những yếu tố trên, APEC ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Dù trình độ phát triển còn thấp so với nhiều nền kinh tế APEC khác nhưng Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động hợp tác của APEC với tinh thần trách nhiệm cao. Việt Nam đã tham gia một số Kế hoạch hành động tập thể (CAPs) ở các lĩnh vực Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Thủ tục Hải quan, Kinh tế kỹ thuật (ECOTECH), Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC). Việt Nam đã góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên, chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, phát triển hạ tầng, chuyển giao công nghệ. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC.

Đặc biệt, trong vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mang tính lịch sử, góp phần nâng cao vị thế của đất nước, khẳng định năng lực chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của APEC về xây dựng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Trong khuôn khổ hợp tác ASEM, diễn đàn này không chỉ là cầu nối cho quan hệ đối tác mới giữa hai châu lục Á-Âu mà còn hướng tới mục tiêu đem lại những đóng góp thiết thực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên toàn thế giới. Là một trong những thành viên sáng lập ASEM, Việt Nam đã tích cực tham gia các chương trình hợp tác của ASEM trên các trụ cột hợp tác kinh tế, văn hoá và chính trị trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng.  Sau 21 năm tham gia ASEM, Việt Nam đã đóng góp có hiệu quả vào việc nâng cao vai trò và vị thế của Diễn đàn, ghi những dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của ASEM. Hiện tại, Việt nam là một trong những thành viên tích cực trong việc đề xuất các sáng kiến hợp tác cụ thể, điển hình là đi đầu thúc đẩy và triển khai cơ chế đối thoại ASEM về phát triển bền vững , góp phần nâng hợp tác Mekong - Danube lên tầm liên khu vực.

Tham gia các Hiệp định thương mại tự do: Song hành cùng với sự phát triển của hệ thống thương mại đa biên và của toàn cầu hoá kinh tế (đặc biệt trong bối cảnh hệ thống thương mại đa biên đang gặp phải những khó khăn nhất định), sự phát triển hợp tác kinh tế song phương và khu vực, thể hiện qua việc hình thành các FTA là một sự bổ trợ quan trọng cho mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư đa phương trên phạm vi toàn cầu hiện nay. Việc hình thành các FTA với mức độ tự do hoá sâu rộng đã và đang đem lại những cơ hội và cả thách thức không nhỏ đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải chủ động nắm bắt xu thế FTA, tham gia có lựa chọn để nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các đối tác quan trọng.

Cho tới thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 FTA gồm: 7 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN (CEPT/AFTA và FTA với các đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Niu Dilân, Hồng Kông); 5 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập (với các đối tác: Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu, và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP). Hiện chúng ta đang đàm phán 4 FTA, gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA với Liên minh Châu Âu (EU), FTA với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA), FTA Việt Nam - I-xra-en.

Như vậy, kể từ sau khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế đầy đủ và toàn diện trên tất cả các các cấp độ đa phương, khu vực và song phương. Dù ở cấp độ và hình thức nào, Việt Nam cũng được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm và thực thi nghiêm túc các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Sự chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong 10 năm qua. Nếu như trước khi gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ khoảng 30 tỷ USD thì hiện nay, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã đạt vượt mức 200 tỷ USD (năm 2017 đạt tới 214 tỷ USD). Thị trường hàng hoá của Việt Nam ngày càng được mở rộng, cơ cấu mặt hàng cũng có những thay đổi theo hướng tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo và giảm dần sản phẩm thô. Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu thì thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có những bước tiến đáng kể. Nét mới của FDI đăng ký và thực hiện trong thời kỳ này là có nhiều dự án lớn, cơ cấu vốn đầu tư chuyển từ công  nghiệp sang dịch vụ, tập trung vào các ngành có lợi thế cạnh tranh cao. Đến cuối năm 2017, đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Từ những kết quả đạt được trong xuất khẩu, thu hút đầu tư, GDP của Việt Nam hiện nay đã đạt mức trên 200 tỷ USD, gấp 4 lần năm 2006 (53 tỉ USD); Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình từ năm 2010 với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.068 USD, năm 2017 đạt khoảng 2400 USD.

Kết luận:        

Trong những năm tới, toàn cầu hóa kinh tế sẽ tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được dự báo là khu vực động lực trong tăng trưởng thương mại toàn cầu thời kỳ tới. Các nước ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy liên kết nội và ngoại khối gắn với việc thực hiện Cộng đồng kinh tế (AEC).

Về phía Việt Nam, sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và 10 năm kể từ khi gia nhập WTO, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã nằm trong nhóm đang phát triển có thu nhập trung bình tuy nhiên năng lực cạnh tranh còn thấp trên cả cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Chúng ta đang trong giai đoạn cuối triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 với những trọng tâm chính là tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tạo nên những đột phá trong phát triển kinh tế.

Để hội nhập kinh tế quốc tế đạt hiệu quả cao và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển đất nước, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, đẩy mạnh hội nhập toàn diện với hội nhập kinh tế là trọng tâm. Bên cạnh đó cần nắm vững nội dung định hướng về hội nhập quốc tế trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2010-2020: “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước”, từ đó gắn kết mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững./.

Lâm Thị Quỳnh Anh

 

Trưởng phòng Hội nhập Kinh tế quốc tế trong nước

 

Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế