Trong năm 2017, kim ngạch XNK của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á (ĐNA) ước đạt 49,4 tỉ USD, tăng 18,8% so với năm 2016 (năm 2016, kim ngạch XNK đạt 41,6 tỉ USD). Nhập siêu của Việt Nam từ khu vực Đông Nam Á đã giảm so với năm 2016, với giá trị ước đạt 5,9 tỉ USD, giảm 9,5% so với mức nhập siêu của năm 2016.
Về XK, trong năm 2017, kim ngạch XK của Việt Nam sang khu vực ĐNA ước đạt 21,7 tỉ USD, tăng 10,4% so với năm 2016. Trong đó có một số thị trường đáng chú ý như Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines, Campuchia cụ thể như sau:
- Thái Lan: Trong năm 2017, kim ngạch XK của Việt Nam sang Thái Lan ước đạt 4,8 tỉ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016. Các mặt hàng góp phần vào tăng trưởng chung trong XK sang Thái Lan trong năm 2017 gồm có: điện thoại và linh kiện (ước đạt 1,2 tỉ USD, tăng 69%), dầu thô (427 triệu USD, tăng 170%), xơ sợi (91 triệu USD, tăng 31%), hạt điều (87 triệu USD, tăng 42%), sắt thép các loại (158 triệu USD, tăng 42%), dây điện và cáp điện (42 triệu USD, tăng 64%).
Một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam vẫn duy trì kim ngạch tăng trưởng nhưng thấp hơn mức tăng trung bình gồm: hàng dệt may (102 triệu USD, tăng 18%), máy móc thiết bị dụng cụ (331 triệu USD, tăng 11%), máy vi tính và linh kiện (483 triệu USD, tăng 16%), phương tiện vận tải và phụ tùng (330 triệu USD, tăng 3%), hàng thủy sản (248 triệu USD, tăng 2%), sản phẩm từ sắt thép (163 triệu USD, tăng 25%).
Nhìn chung, nhiều mặt hàng XK là thế mạnh của Việt Nam sang Thái Lan hiện còn chiếm thị phần khiêm tốn, có thể tăng thị phần trong thời gian tới như hàng thủy sản, trái cây tươi, sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép, dây điện và cáp điện, sản phẩm gốm sứ, gỗ và sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng như dệt may và giày dép hiện vẫn có cơ hội XK tốt sang thị trường Thái Lan do nước này có xu hướng dịch chuyển sang lĩnh vực khác có giá trị gia tăng cao hơn (Thái Lan trước đây cũng chủ yếu đi gia công cho các hãng nước ngoài).Một số sản phẩm Việt Nam có thế mạnh nhưng chưa có kim ngạch XK đáng kể vào Thái Lan, chẳng hạn như mặt hàng sữa và sản phẩm sữa, hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất. Đây là những sản phẩm Việt Nam cần nghiên cứu thị trường, tìm hiểu tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp XK sang Thái Lan.
- Malaysia: Trong năm 2017, KNXK của Việt Nam sang Malaysia ước đạt 4,2 tỉ USD, tăng 27% so với năm 2016.
Sự tăng trưởng XK sang thị trường Malaysia là do sự tăng trưởng tương đối đồng đều đối với các mặt hàng XK chính như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (ước đạt 1,17 tỉ USD, tăng 36% so với năm 2016), điện thoại di động và linh kiện (ước đạt 609 triệu USD, tăng 37%), dầu thô (đạt 228 triệu USD, tăng 20%), sắt thép các loại (235 triệu USD, tăng 105%), máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (đạt 195 triệu USD, tăng 37%), thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh (đạt 194 triệu USD, tăng 21%), than đá (đạt 42,1 triệu USD, tăng 54%)...
Đáng chú ý là XK gạo sang Malaysia đã tăng vọt so với năm trước (ước đạt 216 triệu USD, tăng 84%), nguyên nhân là Malaysia đã tiếp tục mua lượng gạo lớn từ Việt Nam theo hợp đồng tập trung trong năm nay.
- Singapore: Trong năm 2017, KNXK ước đạt 3 tỉ USD, tăng 17,7% so với năm 2016.
Các mặt hàng góp phần vào tăng trưởng XK sang thị trường này chủ yếu là: máy tính và linh kiện (520 triệu USD, tăng 29%), phương tiện vận tải và phụ tùng (235 triệu USD, tăng 84%), dầu thô (236 triệu USD, tăng 198%), xăng dầu các loại (106 triệu USD (tăng 105%).
- Philippines: Trong năm 2017, KNXK của Việt Nam sang Philippines ước đạt 2,8 tỉ USD, tăng 27,9%.
+ Nhóm hàng XK chủ lực: Nhóm hàng nông lâm thủy sản (Nhóm A) hàng thủy sản, sắn và các sản phẩm từ sắn; Nhóm hàng vật liệu xây dựng (Nhóm C) sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép; Nhóm hàng khác: điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
+ Các mặt hàng có kim ngạch tăng bao gồm: gạo (219,8 triệu USD, tăng 31,5%); điện thoại các loại và linh kiện (đạt 445,7 triệu USD, tăng 108%); máy móc thiết bị phụ tùng (đạt 285 triệu USD, tăng 28,8%); clanke và xi măng (đạt 203,4 triệu USD, tăng 10,4%).
- Indonesia: Trong năm 2017, XK của Việt Nam sang Indonesia ước đạt gần 2,9 tỷ, tăng 9,2% so với năm 2016. Các mặt hàng có kim ngạch tăng bao gồm: sắt thép các loại (đạt 434,2 triệu USD, tăng 32,1%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (đạt 249,7 triệu USD, tăng 16,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 221 triệu USD, tăng 45%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (192,5 triệu USD, tăng 17,5%), hàng dệt may (139,2 triệu USD, tăng 22,6%).
+ Nhóm các sản phẩm XK chủ lực: Nhóm mặt hàng chế biến chế tạo (Nhóm D) chủ yếu gồm các sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: điện thoại di động và linh kiện; máy móc thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử; nguyên vật liệu dệt may, da giày; phương tiện vận tải… chiếm 70,4% kim ngạch XK của Việt Nam sang Indonesia. Ngoài ra, nhóm hàng vật liệu xây dựng với mặt hàng XK chủ lực là các sản phẩm sắt thép cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Indonesia, đạt 17,9%.
Đối với mặt hàng sắt thép các loại, sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam trong giai đoạn trước năm 2014 là tôn lạnh (Mã HS 7210.61) vẫn chịu ảnh hưởng bởi biện pháp tự vệ thương mại của Indonesia. Tuy nhiên, trong năm 2017, XK các mặt hàng sắt thép nói chung của Việt Nam sang Indonesia vẫn đạt mức tăng trưởng cao (32,1%) nhờ các mặt hàng: (i) sắt hoặc thép được mạ hoặc tráng bằng phương pháp khác (mã 7212.50) và (ii) sắt hoặc thép cán phẳng được phủ, mạ hoặc tráng kẽm bằng phương pháp hợp kim hóa bề mặt có hàm lượng carbon dưới 0,04% (mã 7210.49).
+ Nhóm các mặt hàng XK tiềm năng:thép và các sản phẩm sắt thép, dây diện và cáp điện, các sản phẩm trang trí nội thất, máy móc thiết bị điện (máy bơm nước, máy biến thế, máy phát điện, bình nước nóng, các sản phẩm thiết bị chiếu sáng), máy móc cơ khí nông nghiệp, dệt may, giày dép và các phụ kiện thời trang, linh kiện điện thoại, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, đồ uống, thực phẩm chế biến, sản phẩm gia dụng (đồ nhựa, đồ nhà bếp, đồ gỗ, đồ sành sứ), nông sản (cà phê, chè, thanh long, vải...)..
Về nhập khẩu (NK), trong năm 2017, kim ngạch NK của Việt Nam từ ĐNA ước đạt 27,7 tỉ USD, tăng 14,9% so với năm 2016. Một số thị trường có kim ngạch NK lớn gồm:
- Indonesia: Trong năm 2017, kim ngạch NK từ Indonesia đạt 3,6 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2016. Một số các mặt hàng NK có kim ngạch tăng gồm: than đá (đạt 378,7 triệu USD, tăng 153,5%); hóa chất (đạt 203 triệu USD, tăng 33,1%); kim loại thường khác (263,4 triệu USD, tăng 24,6%); ô tô nguyên chiếc các loại (318,6 triệu USD, tăng 609,6%).Nguyên nhân NK một số mặt hàng từ Indonesia tăng cao: (i) Tăng NK ô tô nguyên chiếc từ Indonesia do lộ trình giảm thuế ATIGA; (ii) Việt Nam tăng cường NK than đá từ Indonesia để phục vụ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện và các hoạt động sản xuất công nghiệp khác.
- Thái Lan: Trong năm 2017, KNNK từ Thái Lan ước đạt 10,3 tỉ USD, tăng 16,3% so với năm 2016. Các mặt hàng góp phần vào tăng trưởng NK từ Thái Lan gồm có: máy móc thiết bị và dụng cụ (ước đạt 944 triệu USD, tăng 16,2%), xăng dầu các loại (ước đạt 910 triệu USD, tăng 40%), hàng rau quả (866 triệu USD, tăng 111%, khoảng 96% được tái xuất khẩu sang Trung Quốc), chất dẻo nguyên liệu (639 triệu USD, tăng 18,7%), máy tính và linh kiện (621 triệu USD, tăng 56%), hóa chất (372 triệu USD, tăng 45%). Một số sản phẩm chiếm kim ngạch NK lớn nhưng giảm trong năm qua gồm: hàng điện gia dụng (ước đạt 899 triệu USD, giảm 5,3%), ô tô nguyên chiếc (606 triệu USD, giảm 6,1%) và linh kiện, phụ tùng ô tô (510 triệu USD, giảm 24,4%).
- Malaysia: Trong năm 2017, KNNK của Việt Nam từ Malaysia ước đạt 5,7 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2016.
Một số mặt hàng có kim ngạch lớn nhất gồm xăng dầu (ước đạt 1,18 tỉ USD, giảm 3% so với năm 2016), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,10 tỉ USD, tăng 14%), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (ước đạt 643 triệu USD, tăng 50%), dầu mỡ động thực vật (471 triệu USD, tăng 11%)... Nhìn chung, các mặt hàng có kim ngạch NK cao từ Malaysia đều thuộc nhóm hàng cần NK.
Việt Nam vẫn nhập siêu từ Malaysia, nhập siêu năm 2017 ước đạt 1,4 tỉ USD, giảm 21,1%. Xu hướng XK tăng mạnh hơn NK, do đó thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với thị trường Malaysia ngày càng được thu hẹp.
- Singapore: Trong năm 2017, KNNK của Việt Nam từ Singapore ước đạt 5,3 tỉ USD, tăng 11,5% so với năm 2016.
Mặt hàng NK chủ yếu là xăng dầu các loại (ước đạt 2,2 tỉ USD, tăng 37,2% và chiếm 42% tổng kim ngạch NK), sản phẩm từ dầu mỏ khác (ước đạt 241 triệu USD, tăng 14%), sản phẩm hóa chất (ước đạt 203 triệu USD, tăng 30%), chất dẻo nguyên liệu (ước đạt 293 triệu USD, tăng 16%), mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh (ước đạt 220 triệu USD, tăng 22%).
NK và nhập siêu của Việt Nam từ Singapore phụ thuộc khá lớn vào mặt hàng xăng dầu (chiếm 42%). Bên cạnh đó, Singapore là thị trường trung chuyển và quan hệ thương mại với Singapore phụ thuộc rất lớn vào thị trường khác ngoài thị trường nội địa của nước này.
- Campuchia: Trong năm 2017, KNNK của Việt Nam từ Campuchia ước đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 41,4% so với năm 2016. Kim ngạch NK từ Campuchia tăng chủ yếu thể hiện ở các mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 216,7 triệu USD, tăng 18,6%), điều (đạt 183,8 triệu USD, tăng 60,4%), cao su (đạt 131,5 triệu USD, tăng 57,5%).
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi