Kể từ ngày 1/6/2018, thép và nhôm của châu Âu bán sang thị trường Mỹ bị đánh thuế lần lượt là 25% và 10%.
Có thể mức thuế này chỉ gây thiệt hại nhỏ cho các nhà sản xuất châu Âu, song đòn tấn công thương mại mà Mỹ nhắm vào đồng minh truyền thống là Liên minh châu Âu (EU) sẽ đem lại những hậu quả khó lường cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược.
Nguy hiểm trước mắt là kịch bản "chiến tranh thương mại leo thang” với những đòn "ăn miếng, trả miếng" làm phương hại tới tăng trưởng của cả hai bên và của toàn thế giới.
Nhìn rộng hơn, khi "đánh" châu Âu và nhiều đồng minh thân thiết khác như Canada, Mexico, Nhật Bản... Mỹ sẽ bị cô lập trên bàn cờ thương mại và vô hình trung chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ phá vỡ gọng kìm trừng phạt Nga.
Rạn nứt giữa Washington và các đồng minh chiến lược ở cả vành đai Thái Bình Dương và Đại Tây Dương do vấn đề thương mại cũng là một tin vui đối với Trung Quốc, cho dù trước mắt, Bắc Kinh cũng là nạn nhân của chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Quyết định “sai lệch”
Sau khi đã "bắt chẹt" được Hàn Quốc phải nhượng bộ trong vấn đề nhôm và thép, chính quyền Trump tiếp tục nhắm đến Trung Quốc, EU, Canada, Mexico... Sau hơn 2 tháng đe dọa, Nhà Trắng thẳng tay áp thuế nhôm và thép bán sang thị trường Mỹ.
EU, Canada và Mexico lập tức kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Brussels tố cáo Washington áp dụng chính sách bảo hộ, một quyết định "bất hợp pháp và sai lệch” - theo lời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Chuyên gia kinh tế Sébastien Jean thuộc Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng và thông tin quốc tế (CEPII) ở Paris nói: “Chính sách thương mại của Donald Trump thiếu hợp lý. Tổng thống Mỹ coi thâm hụt thương mại là một thất bại về kinh tế.
Đó là cách nhìn sai lệch. Thêm vào đó, Tổng thống Trump lại còn tùy cơ ứng biến theo từng trường hợp cá biệt của mỗi đối tác thương mại, tùy từng mặt hàng. Chính sách thương mại của Mỹ không dựa trên một cơ sở nào.
Về vấn đề nhôm và thép, ông Donald Trump theo đuổi mục đích chính trị nội bộ. Ông muốn phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới giới công nhân trong ngành luyện kim, những người đã ồ ạt bỏ phiếu cho ông năm 2016. Tính toán đó được đưa ra vài tháng trước khi Mỹ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ”.
Đối với các tập đoàn luyện kim châu Âu, mức thuế mà Mỹ đưa ra là "một vố đau". Charles de Lusignan, người phát ngôn của Hiệp hội thép châu Âu Eurofer, giải thích: “Đương nhiên, lệnh áp thuế của Mỹ tác động đến hoạt động xuất khẩu thép của châu Âu sang Mỹ.
Thêm vào đó là lo ngại ngành luyện kim bị chao đảo, nhất là khi biết rằng lĩnh vực công nghiệp này vừa phục hồi chừng 3 năm nay sau khủng hoảng”.
Đánh nhầm mục tiêu?
Tuy nhiên, tác động đối với mỗi thành viên trong EU là khác nhau. Đức và Italy bị ảnh hưởng nặng hơn Pháp bởi Berlin và Roma bán nhiều nhôm, thép cho Mỹ hơn Paris. Điều khiến EU khó hiểu ở đây là mục tiêu mà chính quyền Mỹ nhắm tới là nhôm, thép của Trung Quốc.
Bắc Kinh bị cáo buộc trợ giá, tạo nên tình huống sản xuất dư thừa, cạnh tranh bất bình đẳng. Trong hồ sơ này, Washington đang có đồng minh quan trọng là Brussels. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker cho rằng Tổng thống Trump đã "nhầm đối thủ” và vượt ra ngoài khuôn khổ đã được WTO quy định.
Theo ông Junker, chính sách thương mại của Nhà Trắng buộc EU đáp trả bằng cách đánh thuế các mặt hàng của Mỹ được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.
Danh sách này bao gồm quần Jean Levi’s, rượu whisky, xe máy Harley Davidson.... Tổng trị giá hàng Mỹ bị châu Âu "phạt” ước tính lên tới 3 tỉ euro.
Sébastien Jean, thuộc Trung tâm nghiên cứu CEPII, đã nói tới kịch bản “chiến tranh leo thang”: “Bản chất của các biện pháp trả đũa là không ai biết khi nào sẽ dừng lại. Chỉ biết rằng các đòn 'ăn miếng, trả miếng' đẩy thương mại toàn cầu vào một vòng xoáy nguy hiểm.
Trả đũa có nghĩa là tấn công vào những điểm nhạy cảm của đối phương, mà những điểm nhạy cảm đó thường là những lĩnh vực đang hoạt động rất tốt.
Sau nhôm thép, Mỹ đang tính tới việc tấn công vào công nghệ xe hơi của châu Âu. Các ngành như công nghiệp thực phẩm, thậm chí là cả hàng đắt tiền, có thể là những mục tiêu kế tiếp”./.
Nguồn: Thu Hường, TTXVN