Hiện nay, các vụ việc lừa đảo thương mại tại thị trường Hoa Kỳ gia tăng do nhiều yếu tố, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đứt gãy chuỗi cung ứng...
Sáng ngày 6/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2024.
Tham dự Diễn đàn có đại diện của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp cũng như các chuyên gia của Việt Nam và Hoa Kỳ. Diễn đàn được tổ chức nhằm cập nhật tình hình và dự kiến chính sách thương mại và đầu tư của Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của hàng loạt các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ,
Diễn đàn cũng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tiếp xúc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương.
Tham luận tại Diễn đàn liên quan đến các vụ việc lừa đảo trong thương mại quốc tế, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay, các trường hợp lừa đảo gia tăng do nhiều yếu tố, bao gồm sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các điều kiện kinh tế bất ổn, đứt gãy chuỗi cung ứng và sự gia tăng cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến gia tăng các vụ lừa đảo trong thương mại quốc tế, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, có 4 nguyên nhân cơ bản:
Thứ nhất, ứng dụng công nghệ mới. Việc sử dụng công nghệ số trong các giao dịch trực tuyến đã tạo điều kiện cho tội phạm mạng lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo phức tạp và khó phát hiện.
Thứ hai, bất ổn định chính trị toàn cầu dẫn đến bất ổn kinh tế. Những biến động kinh tế toàn cầu khiến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương và dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo.
Thứ ba, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Hiện tại, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể thiếu kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế.
Thứ tư, tính chất phức tạp của chuỗi cung ứng. Với các chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài và nhiều tầng lớp trung gian, việc xác minh tính minh bạch của từng khâu trở nên khó khăn hơn.
Trong thời gian tới, để giảm thiểu rủi ro lừa đảo khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác minh đối tác thương mại, tìm hiểu kỹ thông tin đối tác.
“Trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần kiểm tra tư cách pháp nhân, tình hình tài chính và uy tín của đối tác. Có thể liên hệ với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ để hỗ trợ xác minh” - thương vụ khuyến cáo và đề nghị, khi giao dịch, doanh nghiệp cần soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, điều khoản thanh toán an toàn. Nên ưu tiên sử dụng phương thức thanh toán thư tín dụng (L/C) không hủy ngang để đảm bảo thanh toán và.
Ngoài ra, trong hợp đồng cần quy định rõ điều khoản giải quyết tranh chấp. Quy định rõ ràng phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, ưu tiên lựa chọn trọng tài thương mại quốc tế hoặc tòa án có thẩm quyền.
Khi gặp khó khăn hoặc nghi ngờ về đối tác, doanh nghiệp cần liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng và cơ quan đại diện thương mại; cùng đó, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, thuê luật sư am hiểu luật quốc tế.
Ông Đỗ Ngọc Hưng đặc biệt khuyến cáo, doanh nghiệp thận trọng trong giao dịch điện tử, kiểm tra kỹ thông tin giao dịch. Khi nhận được yêu cầu thay đổi thông tin thanh toán hoặc liên lạc, cần xác minh lại qua các kênh chính thức để tránh bị lừa đảo và khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp nên liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ hoặc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam để được hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Mặt khác, khi giao dịch với các doanh nghiệp Hoa Kỳ gặp khó khăn tài chính hoặc có nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thận trọng và áp dụng các biện pháp sau để giảm thiểu rủi ro. Trong đó cần kiểm tra tình hình tài chính định kỳ để theo dõi sức khỏe tài chính của đối tác và phát hiện sớm các dấu hiệu khó khăn tài chính, sử dụng dịch vụ của các công ty đánh giá tín dụng: Nhờ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm định tín dụng, như Dun & Bradstreet để cập nhật thông tin tín dụng và mức độ rủi ro (thương vụ cung cấp dịch vụ miễn phí),
Sử dụng các điều khoản bảo lưu quyền sở hữu để đảm bảo quyền sở hữu hàng hóa vẫn thuộc về doanh nghiệp cho đến khi đối tác hoàn tất việc thanh toán. Điều này giúp doanh nghiệp có quyền lấy lại hàng hóa nếu đối tác không thể thanh toán, hoặc thanh toán trước một phần: Yêu cầu đối tác thanh toán trước một phần giá trị đơn hàng hoặc áp dụng phương thức thanh toán L/C để đảm bảo thanh toán an toàn hơn.
Hành động pháp lý kịp thời, để có phương án xử lý và bảo vệ quyền lợi tốt nhất, doanh nghiệp nên nhờ đến các luật sư chuyên về luật thương mại và phá sản tại Mỹ và tham gia quá trình phá sản: Khi đối tác bắt đầu quá trình phá sản, doanh nghiệp cần nhanh chóng đăng ký là chủ nợ để tham gia vào việc phân chia tài sản, giảm thiểu thiệt hại.
Xem xét hợp tác đối tác dự phòng, tìm đối tác mới: Nếu đối tác hiện tại có dấu hiệu mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm đối tác mới để không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Nhờ những giải pháp thực tế nêu trên, gần đây nhất, với sự vào cuộc của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cùng cơ quan thương vụ và phối hợp với ngân hàng trong nước để ngăn chặn thành công vụ việc lừa đảo thanh toán với tổng giá trị hơn 1,2 triệu USD, do tin tặc xâm nhập vào hệ thống giao dịch thư điện tử và giả mạo để chuyển khoản thanh toán hơp đồng sang một tài khoản thứ 3 tại Hoa Kỳ. Thương vụ đã kết hợp làm việc thông qua kênh ngoại giao cùng tiếp xúc xác minh tại địa bàn để phong toả tài khoản lừa đảo, tìm biện pháp chuyển trả tiền cho bên bị hại.
Văn Lực, Bộ Công Thương