Mặc dù Nhật Bản có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng nông sản nhập khẩu, nhưng để nông sản Việt Nam gia tăng tỷ trọng ở thị trường này, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản hiện chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào quốc gia này. Do đó, dư địa xuất khẩu nông sản sang thị trường này còn rất lớn.
Vẫn còn nhiều tiềm năng
Hiện nay, dư địa hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là thương mại và đầu tư của hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong những năm vừa qua, các cơ quan chức năng hai nước đã tăng cường phối hợp để mở cửa cho một số mặt hàng quan trọng của hai nước, góp phần duy trì đà tăng trưởng bền vững của kim ngạch thương mại nông nghiệp giữa hai nước nói riêng và thương mại hàng hóa nói chung.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản mới chỉ dừng lại ở 6 nhóm chính, trong khi một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như gạo, chè, sản phẩm chăn nuôi,… vẫn chưa có cơ hội xuất khẩu và tiến sâu vào thị trường Nhật Bản.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, trong đó có vấn đề nan giải nhất là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản rất khắt khe, khiến các doanh nghiệp Việt Nam không dễ đáp ứng.
Tham tán Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho biết, các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam, vào thị trường Nhật Bản là rất cao, gây ra ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến giao thương Việt Nam - Nhật Bản chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến việc đáp ứng được những tiêu chuẩn mà phía Nhật Bản đặt ra, cũng như tính cần thiết của việc liên kết với các tổ chức kiểm định có thẩm quyền để kiểm định chất lượng của nông sản Việt Nam.
Các quy định này được phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho đến tiêu chuẩn quốc tế và chuyên ngành. “Những tiêu chuẩn đặc thù kỹ thuật về nông nghiệp của Nhật Bản rất khắt khe. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp còn thiếu những tiêu chuẩn cần thiết do Nhật Bản yêu cầu”, ông Lê Ngọc Lâm cho biết.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, sự biến động của kinh tế thế giới, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trong nước,… cũng đang tác động rất lớn tới thương mại nông sản toàn cầu; hay xung đột quân sự, nguy cơ dịch bệnh bùng phát làm tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là những thách thức đặt ra cho hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.
Tăng cường kết nối
Nhật Bản là cửa ngõ khó vào, nhưng nếu đã vào được thì xuất khẩu sang thị trường này sẽ bền vững, đồng thời có thể mở rộng sang các nước khác. Thông qua việc tận dụng tốt ưu đãi cắt giảm thuế từ các FTAs mà hai nước là thành viên; tham gia các chương trình kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại và trưng bày hàng hóa tại các hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận tốt hơn với các đối tác tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Lâm khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần xác định tầm quan trọng của việc liên kết với các tổ chức kiểm định chất lượng của Nhật Bản để hiểu rõ và đáp ứng chính xác các tiêu chuẩn kỹ thuật từ phía Nhật Bản, từ đó giảm thiểu rủi ro bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy lô hàng.
Đồng thời, theo ông Lê Ngọc Lâm, việc sản phẩm đảm bảo chất lượng do tổ chức kiểm định uy tín của Nhật chứng nhận có giá trị cao, tạo sự tin tưởng với đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng Nhật Bản. “Các doanh nghiệp nông sản nên kết nối với nhau để giảm bớt chi phí mời đối tác và chuyên gia Nhật Bản”, ông Lê Ngọc Lâm khuyến nghị.
“Khi có chứng nhận từ các tổ chức này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ dàng thuyết phục đối tác, thúc đẩy quan hệ hợp tác lâu dài. Khi đó, các lô hàng sẽ được ưu tiên thông quan nhanh hơn và ít phải kiểm tra lại tại cảng nhập khẩu, giúp tiết kiệm chi phí lưu kho, vận chuyển và tránh làm giảm chất lượng nông sản, đặc biệt với hàng tươi sống”, ông Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh.
Cùng với sự phát triển quan hệ hai nước, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được đẩy mạnh trong 5 thập kỷ vừa qua. Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, trong khi lao động làm nông nghiệp ở Nhật đang giảm đi. Vì vậy, cơ hội để nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật Bản là rất lớn, đặc biệt những nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn
Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn