Tin tức

Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với một nhóm các quốc gia Nam Mỹ nhằm cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác.

Cột mốc mới cho thương mại tự do

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố trên LinkedIn: “Đây là một thắng lợi cho châu Âu. Hiện đã có 60.000 công ty châu Âu xuất khẩu sang Mercosur – trong đó 30.000 là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sẽ còn nhiều công ty nữa nối tiếp”.

Thỏa thuận chính trị giữa EU và 4 quốc gia sáng lập khối thương mại Mercosur—Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay—nếu được phê chuẩn, sẽ trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất của EU.

Hiệp định hứa hẹn sẽ giảm thuế đối với hàng hóa được trao đổi giữa hơn 30 quốc gia, với tổng cộng hơn 700 triệu dân ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Các quan chức cho biết, dự kiến các công ty EU sẽ tiết kiệm được khoảng 4 tỷ euro (tương đương 4,24 tỷ USD) mỗi năm từ việc cắt giảm thuế xuất khẩu.

Năm 2023, EU đã xuất khẩu khoảng 56 tỷ euro giá trị hàng hóa sang bốn quốc gia Nam Mỹ trong thỏa thuận và nhập khẩu gần 54 tỷ euro hàng hóa từ các quốc gia này.

“Đây là một hiệp định đôi bên cùng có lợi, mang lại những lợi ích đáng kể cho người tiêu dùng và doanh nghiệp ở cả hai bên,” bà Leyen cho biết.

Thỏa thuận này xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết áp đặt các loại thuế mới đối với các đối tác thương mại, có thể định hình lại các mô hình thương mại toàn cầu.

Hứa hẹn nhiều tranh cãi

Dù vậy, thỏa thuận đạt được không đảm bảo rằng hiệp định sẽ được các nước thành viên EU chấp thuận. Pháp, Ba Lan và Italia dự kiến sẽ phản đối, đại diện cho nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hiệp định.

Từ lâu, giới nông dân ở Pháp và Ba Lan đã phản đối một thỏa thuận với các nước Nam Mỹ do lo ngại việc mở cửa thị trường châu Âu cho hàng nông sản Brazil. Theo WSJ, một trợ lý thân cận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết rằng thỏa thuận vẫn không thể chấp nhận được dưới hình thức hiện tại.

Các cuộc đàm phán về thỏa thuận FTA giữa EU và khối Mecosur này đã bắt đầu hơn hai thập kỷ trước và gặp nhiều trở ngại. Một văn bản vào năm 2019 đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nông dân và các nhóm môi trường.

EU cho biết thỏa thuận chính trị đạt được với Mecosur sẽ bao gồm cam kết từ cả hai bên nhằm thực hiện Hiệp định Khí hậu Paris và ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030. Ủy ban Châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, vẫn cần tham vấn với 27 quốc gia thành viên trong khối trước khi hiệp định có thể được phê chuẩn.

Một số nhóm doanh nghiệp và lãnh đạo chính trị châu Âu đã hoan nghênh thỏa thuận. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng hiệp định sẽ dẫn đến tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cho biết hiệp định mang đến cơ hội đa dạng hóa nguồn nguyên liệu thô quan trọng cho châu Âu và gửi đi một thông điệp ủng hộ thương mại tự do và dựa trên luật lệ.

Thỏa thuận có thể mở ra cơ hội mới cho một số nhà xuất khẩu, bao gồm ngành công nghiệp ô tô đang gặp khó khăn của Đức. Thuế quan Mercosur sẽ được giảm đối với các sản phẩm châu Âu như ô tô, máy móc, dệt may, sô cô la và rượu vang nếu thỏa thuận được thực hiện, EU cho biết.

Ngược lại, nhóm vận động hành lang nông nghiệp châu Âu Copa-Cogeca cho biết rằng họ sẽ phản đối thỏa thuận, cho rằng nó đặt ra rủi ro cho các ngành như thịt bò, gia cầm, đường và nông nghiệp khác của châu Âu. “Hiệp định này sẽ làm gia tăng áp lực kinh tế đối với nhiều nông trại,” nhóm này cho biết.

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, ca ngợi thỏa thuận đạt được với EU là một cột mốc sau các cuộc đàm phán dai dẳng và nhiều công sức. Ông cho biết thỏa thuận, bao gồm nhiều sửa đổi để thúc đẩy xuất khẩu ô tô và khoáng sản, đã khác biệt đáng kể so với hiệp định năm 2019 và sẽ cho phép phát triển kinh tế cùng với bảo vệ môi trường.

Văn Lực, Bộ Công thương