Tin tức

Xuất khẩu hàng hoá không những đã và đang thu được kết quả tích cực mà còn lấp lánh niềm vui khi nhiều thương hiệu Việt đã được thị trường biết đến và ưa thích.

Nhiều thương hiệu thành công ở nước ngoài

Theo báo cáo tài chính quý III mới được Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố, doanh thu từ thị trường xuất khẩu tăng trưởng dương quý thứ 5 liên tiếp, tiếp tục là động lực tăng trưởng của Vinamilk. Cụ thể, doanh thu từ mảng xuất khẩu tăng 10,3% và các chi nhánh nước ngoài tăng 8,5%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần thị trường nước ngoài mang về cho Vinamilk 8.350 tỷ đồng, tăng ấn tượng 15,7% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất khẩu của Vinamilk ghi nhận tín hiệu tích cực từ các thị trường cao cấp, nơi có cộng đồng người Việt lớn nên có nhiều nhu cầu với các sản phẩm của Vinamilk như sữa đặc có đường, sữa chua. Doanh nghiệp cũng đa dạng cách tiếp cận và khai thác thị trường khi tham gia sâu hơn vào các chuỗi bán lẻ, phân phối và cung ứng quốc tế.

Vinamilk còn đang phát triển các sản phẩm non-dairy (sản phẩm khác sữa) phục vụ xuất khẩu như nước dừa hiện đang xuất đi Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Tuy chưa đóng góp lớn về tỷ trọng doanh thu nhưng đây là hướng đi để mở rộng thị trường, khẳng định năng lực sản xuất và chứng minh chất lượng sản phẩm.

Cũng là một thương hiệu lớn của Việt Nam tham gia xuất khẩu và xây dựng thương hiệu trên thị trường, 10 không gian hàng quán mới của Trung Nguyên Legend đã được liên tiếp khai trương tại Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7.

Theo đó, sau gần một năm quán cà phê Trung Nguyên Legend nhượng quyền đầu tiên ra mắt tại Mỹ, Tập đoàn cà phê hàng đầu Việt Nam tiếp tục khai trương hai không gian Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại thành phố San Jose, bang California vào ngày 18 và 25/7. Đây là hai không gian đầu tiên của mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend và là quán thứ tư của Trung Nguyên Legend tại Mỹ.

Tọa lạc tại 909 Story Road, Unit 100, San Jose và 1631 East Capitol Expressway, Unit 107, San Jose, cả hai không gian Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đều nằm trên tuyến đường sôi động với nhiều hoạt động văn hóa, thương mại, giao thương. Đây là những vị trí dễ dàng thu hút khách hàng Mỹ và du khách quốc tế đến trải nghiệm, khám phá.

Tập đoàn Trung Nguyên đang đặt mục tiêu phát triển gần 130 quán tại Trung Quốc trong năm 2024, mở đầu cho kế hoạch dài hạn 1.000 quán tại thị trường này. Đồng thời, trong tháng 9, Trung Nguyên Legend sẽ nhân rộng mô hình không gian hàng quán tại Australia, Canada, và tiếp tục xúc tiến kế hoạch mở rộng 100 không gian tại Mỹ, cùng các quốc gia tại Đông Nam Á, châu Á, châu Âu...

Hoặc, ngày 28/7/2023, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mỹ, sau đó đã niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ với vai trò là công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất với hơn 23 tỷ USD. Điều này không những đưa thương hiệu của VinFast ra thế giới, mà nhìn rộng ra, còn đưa tên tuổi của doanh nghiệp Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Rạng danh trên thị trường thế giới không chỉ bằng kim ngạch ấn tượng mà còn bằng thương hiệu của chính mình không thể không kể đến câu chuyện của hạt gạo. Trong đó, gạo Cơm Vietnam Rice của Lộc Trời đã được bán ở chuỗi siêu thị Pháp với giá cao bậc nhất thế giới. Hoặc gạo Japonica của Tân Long tiếp tục “chào sân” thành công thị trường Nhật Bản vào tháng 10 vừa qua, sau 2 năm gạo A An được xuất khẩu vào đất nước mặt trời mọc. Đây là thị trường có đòi hỏi cao bậc nhất thế giới và việc xuất khẩu thành công vào thị trường là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp trong hành trình định danh ở thị trường nước ngoài.

Giới chuyên gia đánh giá, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương. Sự nỗ lực của doanh nghiệp đã và đang đóng góp tích cực vào thành tích hoạt động ngoại thương của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên vị trí 1 trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tính đến nửa đầu tháng 11/2024 đã đạt 681 tỷ USD và có thể tiếp tục đạt con số kỷ lục trong cả năm nay.

Bên cạnh đó, Năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 2% về giá trị và 1 bậc so với năm 2023. Những thành công này của Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, TH, Vinamilk...

Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu

TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thương hiệu chính là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có những thương hiệu giá trị như vậy. Đồng thời đưa những thương hiệu giá trị như vậy ra thị trường nước ngoài.

Nhìn chung, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả thị trường nội địa và nước ngoài bởi phổ sản phẩm rộng, sản phẩm có tính đặc thù và chất lượng cao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn có tính đặc trưng vùng miền, như sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, nhìn từ các thương hiệu lớn như Vinamilk hay Trung Nguyên, có thể thấy, đây là các doanh nghiệp lớn, nguồn lực lớn. Trong khi đó, đối với phần đông doanh nghiệp, khó khăn trong xây dựng thương hiệu chính là doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực còn hạn chế, việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động xây dựng thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển thương hiệu.

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản Việt Nam – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trước hết, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ. Liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để bảo đảm sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu. Song song đó, tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Về phía cơ quan chức năng, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chương trình Thương hiệu Quốc gia, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng thương hiệu. Trong đó có nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội về vai trò của thương hiệu.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực để xây dựng, quản trị và phát triển các thương hiệu sản phẩm nhằm tiệm cận, đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, từ đó để hình thành các thương hiệu mạnh, qua đó xuất khẩu ra thế giới mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.

“Chúng ta đều biết trị giá xuất khẩu hiện tại của nhóm doanh nghiệp trong nước mới đóng góp khoảng 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 và nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới đóng góp chính vào tỷ trọng xuất khẩu. Với việc phát triển và xây dựng các thương hiệu mạnh như vậy và với giá trị của các sản phẩm được nâng cao, chúng tôi kỳ vọng sẽ một phần nào đó đóng góp vào việc tăng tỷ trọng đóng góp trong kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung” – ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ.

Văn Lực, Bộ Công Thương