Tin tức

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Trước các xu hướng thuận lợi, cũng như những cơ hội từ các FTA, năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47 - 48 tỷ USD...

Ngày 19/11, Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Vitas và Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2024.

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết trước các xu hướng thuận lợi, cũng như những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47 - 48 tỷ USD.

XUẤT KHẨU NĂM 2024 TĂNG 11,26% SO VỚI NĂM 2023

Theo ông Vũ Đức Giang, năm 2024 mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%. Như vậy, toàn ngành xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu; Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%.  

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý 1/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý 2/2025. Song điều chưa lạc quan nhiều, đơn giá vẫn không tăng.

Chủ tịch Vitas cho rằng dù giá không tăng, nhưng kết quả năm 2024 vẫn khả quan. Nguyên nhân là do doanh nghiệp tận dụng tốt chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc; thích ứng nhanh với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, là việc áp dụng các giải pháp về công nghệ, tự động hoá nhằm nâng cao năng suất lao động.

Trước các xu hướng thuận lợi, cũng như những cơ hội từ các FTA, năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 47 - 48 tỉ USD.

Thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

VƯƠN LÊN VỊ TRÍ CƯỜNG QUỐC XUẤT KHẨU DỆT MAY THỨ BA THẾ GIỚI

Thông tin về Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Vitas và Tổng kết năm 2024 của ngành dệt may, ông Giang cho biết sẽ được tổ chức vào ngày 13-14/12/2024 tại Quảng Nam.

Lễ Kỷ niệm là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và những thành tựu, đóng góp của Vitas vào sự phát triển của ngành, cũng như định hướng phát triển cho năm 2025 và giai đoạn tiếp theo. Là giai đoạn của sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo, thế giới phẳng; của chuyển đổi số và yêu cầu xanh hóa, phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam.

Chủ tịch Vitas cho rằng 25 năm thành lập, từ chỗ ngành dệt may chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippin… đến nay đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.

Thị trường trong nước 25 năm qua cũng tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD. Thặng dự thương mại năm 2024 đạt 19 tỷ USD tăng 108,6 lần so với 175 triệu USD của năm 1999.

Với lực lượng lao động trên 3 triệu người, dệt may là ngành thu dụng lao động lớn nhất trong các ngành kinh tế cả nước, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, các địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Góp phần vào thành tích trên của ngành có vai trò rất quan trọng của Vitas. Trong 25 năm qua,  Hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng.

Đồng thời tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan… để mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF… kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, xây dựng thương hiệu, cập nhật công nghệ, kỹ năng nghề, phát triển bền vững…

Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm… Tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do.

Thu Hiên, Tạp Chí cộng sản