Riêng tháng 4/2024, xuất khẩu sang Mỹ thu về 8,9 tỷ USD, tăng nhẹ 0,12% so với tháng 3. Trong 4 tháng đầu năm nay, với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 34,7 tỷ USD, Mỹ tiếp tục trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Bứt phá thương mại với thị trường Mỹ là tín hiệu tốt lành với kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đồng USD cao chót vót, lợi nhuận quy đổi của doanh nghiệp cũng tốt hơn. Điều đó giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là bệ đỡ cho hàng hóa Việt Nam bắt nhịp với quy cách sản xuất ở đẳng cấp cao hơn; mở ra nhiều cơ hội đến với thị trường chất lượng cao.
Số liệu công bố ngày 11/5 cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, có 3 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD gồm: (1) máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; (2) máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; (3) hàng dệt may.
Nhóm sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, tiểu thủ công nghiệp, đồ mỹ nghệ chiếm đa số trong danh mục, nhưng mức đóng góp về giá trị không lớn. Ví dụ, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo, cao su,… mang về chưa tới 200 triệu USD.
Sự so sánh này cho thấy: Nhóm hàng công nghệ cao, giàu chất xám tuy mang về giá trị xuất khẩu lớn nhưng đa phần do doanh nghiệp FDI sản xuất, đó là Samsung, Apple, Intel. Một số ít doanh nghiệp Việt cũng xuất khẩu phần mềm, nhưng mức đóng góp không lớn.
Riêng ngành dệt may, nhóm hàng này luôn nằm trong top xuất khẩu “hàng chục tỷ đô”. Theo thống kê từ Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), dù đã cố gắng giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nhưng hiện nay vẫn có hơn 50% nguồn cung nguyên phụ liệu ngành dệt may phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Phụ thuộc nguyên vật liệu dẫn đến bị động chuỗi cung ứng, trong bối cảnh tỷ giá USD cao như hiện nay là bất lợi với nhập khẩu. Mặc dù con số xuất khẩu lớn nhưng lợi nhuận thực sự không lớn do phải chia sẻ với đối tác bên ngoài.
Số liệu xuất khẩu cũng trùng hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp FDI đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2023 toàn ngành chế biến, chế tạo thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm tới 64,2% tổng vốn FDI vào Việt Nam; đứng thứ 2 là bất động sản 4,67 tỷ USD, chiếm 12,7%.
Tỷ trọng của khu vực FDI trong xuất khẩu tăng rất nhanh và chiếm tỷ lệ lớn - từ mức 30% vào năm 1997 lên tới 75% trong giai đoạn hiện nay. Nhiều chuyên gia dự báo vai trò xuất khẩu của khu vực FDI sẽ còn tăng nếu như khối nội không tăng cường khả năng sản xuất, sáng tạo.
Dĩ nhiên, tăng tỷ trọng đóng góp của FDI cũng là trợ lực rất hữu hiệu với nền kinh tế. Song, vấn đề đáng lo là tỷ trọng đóng góp của khối doanh nghiệp trong nước ở mức thấp và tăng trưởng chậm, không rơi vào những ngành có tầm ảnh hưởng lớn như công nghệ, chế biến, chế tạo.
Ví dụ, riêng xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 4 tháng đầu năm chiếm gần 20% trong tổng số đóng góp của 37 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ, tương đương giá trị 6,79 tỷ USD.
Dữ liệu xuất nhập khẩu phần nào cho thấy nhiều điều về kinh tế vĩ mô, phản ánh đúng bản chất nền kinh tế Việt Nam - là nền kinh tế hội nhập, sâu và rộng, độ mở 200%, nhưng có nguy cơ mất cân đối vĩ mô ở khía cạnh tự chủ chuỗi cung ứng.
Phương Linh, Bộ Tài chính