Dù hiện nay các thị trường đều co lại do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu song thủy sản là hàng thực phẩm thiết yếu nên vẫn còn có cơ hội tăng trưởng.
Hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 đã có nhiều khởi sắc. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay đạt 2,7 tỷ USD (tăng nhẹ so với mức 2,64 tỷ USD năm 2023).
Sở dĩ xuất khẩu thủy sản phục hồi được ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, do nhu cầu của các thị trường trên thế giới tăng trở lại, kéo theo các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu gia tăng. Điều này đã và đang giúp cho các nhà sản xuất trong nước an tâm hơn, duy trì tốc độ phát triển.
Tuy nhiên ông Hòe cũng cho rằng, phải chờ thêm 1 quý nữa mới có thể đánh giá là trường xuất khẩu phục hồi nhiều hay ít.
Ngoài ra, theo ông Hòe, với tình hình hiện nay, việc tăng chi phí trong hoạt động sản xuất cho xuất khẩu ít nhiều bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thủy sản, giá nguyên liệu đầu vào, vật tư vật liệu, bao bì đều tăng do ảnh hướng giá dầu và thị trường tài chính.
“Trong chừng mực nào đó, doanh nghiệp chỉ có thể hy vọng các yếu tố bất ổn tạo được điểm cân bằng mới để trên cơ sở đó điều hành xuất khẩu. Vì vậy các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng dài hạn hơn để có kế hoạch sản xuất”- ông Hòe cho biết.
Liên quan đến các thị trường xuất khẩu thủy sản hiện nay, theo ông Hòe, hiện châu Âu là thị trường ảnh hưởng nhiều nhất. Cụ thể, trong quý I/2024 tại thị trường này bị ảnh hưởng lớn về các vấn đề tài chính, xung đột địa chính trị nên nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn xuất khẩu vào EU.
Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc đang tăng. Các số liệu của VASEP cho thấy, hiện nay xuất khẩu vào 3 thị trường quan trọng của thủy sản là Trung Quốc, Mỹ, Nhật tăng ổn định khoảng 16%/mỗi thị trường. Đặc biệt, Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về mặt hàng tôm Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng chế biến, giá trị gia tăng để cạnh tranh với hàng giá rẻ hơn từ Ecuador.
Trong ngắn hạn, ông Hòe cho rằng, dù hiện nay các thị trường đều co lại do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu nhưng thủy sản là hàng thực phẩm thiết yếu nên vẫn còn có cơ hội tăng trưởng. Bên cạnh đó, theo ông Hòe, thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã tập trung rất cao cho hỗ trợ cách ngành sản xuất và đã phát huy tác dụng. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục được hỗ trợ.
Thực tế, ở nhiều địa phương, để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ những giải pháp khác nhau. Đơn cử như ở Cà Mau - địa phương xuất khẩu thủy sản đứng thứ 2 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, xuất khẩu thủy sản của tỉnh này đã tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ với kim ngạch đạt 315,71 triệu USD.
Để có kết quả này, ông Nam cho biết, Sở Công Thương đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương; tổ chức các Đoàn doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngoài nước tại các thị trường châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc; tham gia Hội chợ Vietfish tại TP. Hồ Chí Minh… Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng do Bộ Công Thương tổ chức để kịp thời cập nhật thông tin, khuyến cáo từ hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Không riêng Cà Mau, ở nhiều địa phương khác cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tiếp cận thị trường để mở rộng xuất khẩu. Trong đó, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng,… được các địa phương đặc biệt quan tâm. Thông qua những giải pháp này đã góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản trong thời điểm hiện nay.
Lê Văn Hóa, Viện nghiên cứu chính sách Công Thương, Bộ Công Thương