Tin tức

Bộ Công thương được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới.

Trong hàng loạt các giải pháp nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương  chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới.

Cùng đó, Bộ Công thương phải thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê,... và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 19 FTA. Trong đó, có 16 FTA đã ký kết, 3 FTA đang đàm phán (FTA Việt Nam - EFTA, gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein; FTA ASEAN - Canada được tái khởi động đàm phán tháng 11/2021 và mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) Việt Nam - Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Theo Bộ Công thương, việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Quy mô xuất nhập khẩu cuối năm 2022 đã vượt 730 tỷ USD.

Cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư (năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp nước ta xuất siêu với mức thặng dư 28,3 tỷ USD, theo Tổng cục Hải quan).

Tính đến 15/4/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt xấp xỉ 209 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 107,82 tỷ USD, tăng 16,34% so với cùng kỳ 2023, tương ứng tăng thêm 15 tỷ USD. Nhập khẩu đạt 101,1 tỷ USD, xuất siêu 6,7 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Để có được kết quả như vậy, Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương, nhằm tháo gỡ các rào cản, minh bạch hóa các tiêu chuẩn, quy định tại thị trường đối tác cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Với 16 FTA đã ký kết và thực thi, 3 FTA đang tích cực đàm phán và sớm ký kết trong thời gian đã và tiếp tục tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu nội địa.

Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và truyền thông