Bên cạnh năng lực cung ứng, giá cả cạnh tranh, doanh nghiệp Việt còn phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, sạch, có trách nhiệm với môi trường.
Cơ hội rộng mở
Liên tiếp nhận các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ông Võ Xuân Thuyên, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp xây dựng xanh TDH (Trần Đức Homes - Trần Đức Corp), cho biết - trong quý I/2024, công ty đã xuất khẩu 480 căn nhà gỗ thương hiệu Modulux sang thị trường này. Tính đến nay , công ty đã nhận được các đơn hàng với khoảng 800 căn nhà trong quý II/2024. Hiện các sản phẩm của công ty đã có mặt ở khoảng 10 bang của Mỹ như: Oregon, Texas, Nevada, Utah, California…
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường, ngoài hai nhà máy đang hoạt động, cuối năm nay một nhà máy mới có diện tích 12 ha ở khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương sẽ chính thức hoạt động. “Để có được “trái ngọt” như hôm nay, công ty đã phải xây dựng chiến lược bài bản từ đầu tư, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, cập nhật xu thế mới, đa dạng hóa thị trường và khách hàng, xem khách hàng là bạn đồng hành để cùng nhau tồn tại, phát triển và quan trọng là con người”, ông Thuyên lý giải.
Theo ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới Walmart, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hàng đầu để tìm kiếm nguồn cung ứng. Các mặt hàng ngày càng đa dạng từ điện tử, dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh.
Cũng theo ông Trọng, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống Walmart toàn cầu và đang vươn lên vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Năm 2023, Walmart thu mua 7 tỉ USD hàng Việt, chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, đồ chơi.
“Ngoài những mặt hàng truyền thống trên, Walmart đang đa dạng tất cả mặt hàng từ tiêu dùng đến thực phẩm như xoài đông lạnh, trà, cà phê vì những mặt hàng này có tiếng vang lớn tại thị trường”, ông Trọng chia sẻ.
Dẫn số liệu từ Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Mỹ đạt 124,3 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch giảm so với năm 2022, song thặng dư thương mại vẫn đạt trên 104 tỷ USD, xếp thứ 3 sau Trung Quốc và Mexico. Với kết quả này Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tình đến hết tháng 2/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 20,8 tỷ, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ vẫn tăng trưởng dương.
Trong khi đó, số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam cho thấy, quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 25,7 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. “Đây là những tín hiệu cho thấy, hàng hóa Việt Nam vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Mỹ”, ông Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh.
Những lưu ý cho doanh nghiệp
Đánh giá về tiềm năng thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới Walmart cho rằng, trong những năm tới hàng hóa “made in VietNam” xuất khẩu sẽ có xu hướng ngày càng tăng. Mặc dù vậy, thời gian qua doanh nghiệp Việt vẫn có những khó khăn nhất định khi tiếp cận thị trường Mỹ. Hiện lượng hàng Việt trên siêu thị Walmart không phải ít nhưng đa phần thông qua các đối tác thương mại của đơn vị.
“Việt Nam có đủ khả năng để cung cấp hàng cho Walmart, song doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu năng lực về dịch vụ giao hàng, khả năng tìm hiểu thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Mỹ nên chưa thể trực tiếp làm việc với Walmart”, ông Trọng nhấn mạnh.
Ông Đỗ Ngọc Hưng cũng lưu ý, hiện Mỹ vẫn đứng đầu về các ngành bán lẻ. Trong 10 Tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới thì Mỹ chiếm phần lớn. Do vậy, xu hướng tiêu dùng của Mỹ sẽ là xu hướng chủ đạo và các nhà cung cấp phải nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, các hệ thống như Walmart hay Cotsco, Amazon... đều lấy người tiêu dùng làm trung tâm và yếu tố khắt khe về chất lượng, giá cả hàng hóa. Vì thế, năng lực sản xuất đủ lớn, sản phẩm có sự ổn định về chất lượng, giá cả cạnh tranh là những tiêu chuẩn đầu tiên mà nhà mua hàng toàn cầu yêu cầu.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, sạch, quá trình sản xuất phải cắt giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, giải pháp tái chế chất thải. Đặc biệt là kiểm soát chất lượng đầu vào, đảm bảo tiêu chí xanh, trách nhiệm với môi trường, lao động.
Để mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, ông Hưng khuyến nghị: Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần quan tâm đến những tiêu chuẩn của các hệ thống phân phối. Với thị trường Mỹ, hệ thống phân phối của Mỹ được chuyên môn hóa cao nên việc bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng rất khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp cần xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ bán buôn đến bán lẻ. Cùng với đó, cần có chiến lược theo từng mặt hàng, phát triển kênh phân phối trên sàn thương mại điện tử và các kênh trung gian. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phối hợp với hiệp hội ngành hàng tại các bang, nhà phân phối, cơ quan xúc tiến để tham gia triển lãm, hội chợ, mở rộng việc kết nối...
Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn