Xuất khẩu trực tuyến (online) đang trở thành hướng đi của nhiều doanh nghiệp để đưa hàng hoá, sản phẩm của mình đi xa hơn, tới được nhiều thị trường. Việc nhập cuộc nhanh hơn không chỉ giúp gia tăng doanh số bán hàng và mở rộng quy mô sản xuất mà còn có thể nhập khẩu các nguyên liệu và sản phẩm chất lượng từ các thị trường quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường.
Thị trường tiềm năng
Dựa trên số liệu thu thập từ một số tổ chức uy tín trên thế giới và kết quả điều tra từ khoảng 11.000 cá nhân người tiêu dùng và gần 10.000 doanh nghiệp, báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu như năm 2018 doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD thì đến năm 2019 đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Với doanh thu đạt tới 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8- 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo đánh giá của Amazon Global Selling, hàng Việt có cơ hội tăng xuất khẩu online khi thực tế tiêu dùng toàn cầu tiếp tục dịch chuyển từ offline sang online. Theo Amazon, dự kiến quy mô của thị trường bán lẻ online trong năm 2024 là hơn 31,3 tỷ USD, chiếm khoảng gần 13% bán lẻ toàn cầu. Trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng lên tới hơn 40,5 tỷ USD, tương đương với mức 15% tiêu dùng toàn cầu.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company, Việt Nam là quốc gia nằm trong Top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt 650 ngàn tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Gia tăng doanh số từ bán hàng trực tuyến
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tô Nghiệp Siêu Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất và dịch vụ Hành Sanh chia sẻ, kết thúc năm 2019, cũng là năm đầu tiên công ty gia nhập sàn thương mại điện tử Alibaba, doanh thu của doanh nghiệp tại thị trường quốc tế đã đạt mức 150.000 USD. Với sự hỗ trợ của Alibaba.com, Hành Sanh nhanh chóng thâm nhập vào 7 quốc gia. Với việc tham gia gian hàng Việt Nam trên Alibaba.com đã giúp thương hiệu này mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động thương mại và củng cố vị thế cạnh tranh.
Ông Dương Như Đức, Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình cho biết, năm 2023, công ty đạt doanh thu 727 tỷ đồng, tăng 4%; lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 34 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp vượt 71% kế hoạch lãi trước thuế đã đặt ra. Trong năm 2024, với khoảng 70% đơn hàng đã được ký kết, doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng 15-20%.
“Sản phẩm phân bón là sản phẩm đặc thù, tuy nhiên bên cạnh cung cấp trên thị trường nội địa và xuất khẩu theo phương thức truyền thống, doanh nghiệp đã xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên sàn Alibaba. Việc tiếp cận và xúc tiến xuất khẩu trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, nhất là thị trường ở châu Á, trong đó tiêu thụ nhiều nhất là Malaysia, Indonesia... Kết quả này tạo đà để doanh nghiệp tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu và đưa sản phẩm vươn xa”, ông Dương Như Đức kỳ vọng.
Để tận dụng lợi thế của thương mại số, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử uy tín với hàng trăm triệu nhà mua hàng trên phạm vi toàn cầu như Amazon, Alibaba... để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến. Đặc biệt, sự kiện 100 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu đầu tiên được tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử quốc tế đã đánh dấu bước tiến mới cho xuất khẩu trực tuyến Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số.
Các nhà cung cấp Việt Nam được chọn cho chương trình này không chỉ được hưởng lợi từ việc khả năng hiển thị trực tuyến thông qua Gian hàng quốc Gia Việt Nam trên Alibaba.com mà còn được hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo và các hỗ trợ khác trong việc xây dựng và nâng cao hồ sơ kinh doanh của họ trên Alibaba.com. Phạm vi chia sẻ kiến thức bao gồm nhiều khía cạnh của thương mại quốc tế, từ hoạt động thương mại điện tử đến vận chuyển quốc tế, hậu cần và luật thương mại. Chương trình cũng được kỳ vọng sẽ mở ra những con đường cho sự tăng trưởng xuất khẩu cho các nhà cung cấp tham gia thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối người mua - người bán và cơ hội học hỏi lẫn nhau.
Theo các chuyên gia, việc chuyển sang bán hàng trên các kênh online sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam điều hướng và nhanh nhạy thích ứng, nắm bắt các cơ hội kinh doanh chưa được khai thác và phát triển với thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, để bắt nhịp dòng chảy thương mại điện tử xuyên biên giới, người bán cần hiểu hành vi tiêu dùng của người mua hàng thông qua thương hiệu lựa chọn, mức độ tin cậy, sự tiện lợi và dịch vụ phù hợp, cũng như phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến.
Thanh Hưng, Cục TMĐT