Chuyển đổi Quy tắc cụ thể mặt hàng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) giúp đảm bảo tính minh bạch đối với doanh nghiệp.
“Chuyển đổi Quy tắc cụ thể mặt hàng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc” là chủ đề của hội nghị được Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và Ban Thư ký ASEAN phối hợp tổ chức từ ngày 25-27/3/2023 tại Quảng Ninh.
Hội nghị có sự tham dự của các quan chức, chuyên gia đến từ Hàn Quốc và 10 nước ASEAN, cùng Ban Thư ký ASEAN; một số đại biểu các nước thành viên tham gia trực tuyến.
Theo Ban tổ chức, nội dung chính của hội nghị là rà soát và hướng tới mục tiêu gần 7.000 dòng thuế của danh mục PSR trong AKFTA được chuyển đổi từ HS 2107 sang HS 2022. Đồng thời, thảo luận tiến độ và cơ chế thực thi quy tắc xuất xứ theo HS mới.
Phát biểu khai mạc hội nghị vào sáng nay, 25/3, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Nguyễn Anh Sơn cho biết: Theo quy định của Tổ chức Hải quan Thế giới, mã HS của Hệ thống Hài hòa về Mô tả và Mã hóa Hàng hóa được cập nhật thường xuyên 5 năm một lần để đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu thương mại quốc tế. Việc cập nhật này cũng yêu cầu quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc được chuyển đổi.
“Việc chuyển đổi PSR đúng thời hạn sẽ đảm bảo được tính dự đoán và tính minh bạch đối với doanh nghiệp. Bất cứ sự trì hoãn chuyển đổi PSR nào đều dẫn tới việc tăng chi phí và thất thoát lợi ích của FTA”- ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.
Ngày này năm xưa 25/6: Ban hành việc thực hiện quy tắc xuất xứ của FTA ASEAN - Hàn QuốcSửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2014/TT-BCT về Quy tắc xuất xứ trong FTA ASEAN-Hàn Quốc
Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị về quy tắc xuất xứ trong hiệp định ASEAN- Hàn Quốc
Đại diện Hàn Quốc và 10 nước ASEAN cùng Ban Thư ký ASEAN, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương tại hội nghị. Ảnh: Hiền Thu
ASEAN và Hàn Quốc ký kết Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện năm 2005 và Hiệp định về Thương mại Hàng hóa có hiệu lực từ tháng 6/2007 (AKFTA). Để đảm bảo đúng hàng hóa có xuất xứ được hưởng ưu đãi thuế quan, AKFTA quy định cách xác định xuất xứ.
Nhằm thực thi Hiệp định AKFTA, Tiểu ban Hợp tác Kinh tế ASEAN - Hàn Quốc triển khai Hội nghị về xuất xứ hàng hóa để chuyển đổi Danh mục quy tắc mặt hàng (PSR) theo Hệ thống Hài hòa HS của Tổ chức hải quan thế giới (WCO). Từ đó, tạo thuận lợi cho nhà nhập khẩu sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu AK để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt AKFTA.
Với thành công của Hội nghị tương tự năm 2018 tại Việt Nam, đối tác Hàn Quốc và các nước thành viên ASEAN ghi nhận nhiều phản hồi tích cực về vai trò của nước chủ nhà Việt Nam trong công tác tổ chức hội nghị và trong khuôn khổ Hiệp định AKFTA. Hội nghị lần này có quan chức, chuyên gia đến từ Hàn Quốc và 10 nước ASEAN nhằm rà soát, thảo luận gần 7 ngàn dòng thuế, tiến độ và cơ chế thực thi quy tắc xuất xứ theo HS mới.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương cho biết: thời gian gần đây, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhất. Năm 2023, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 52,1%, với kim ngạch hàng hóa có C/O xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD. Doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O ưu đãi như một công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan. Với hành lang pháp lý là Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn; cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới doanh nghiệp giai đoạn 2014-2023, nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi rõ rệt.
Nhóm hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA tốt nhất gồm thủy sản (96,32%). Các mặt hàng nông sản như rau quả, cà phê và hạt tiêu đều có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi rất cao, lần lượt đạt 91,18%, 94,54% và 100%. Gỗ và sản phẩm gỗ (73,76%); giày dép và hàng dệt may có tỷ lệ gần 100%.
Tại Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018, 14% tổng số dòng thuế còn lại giảm thuế về 5% vào thời điểm cuối lộ trình (năm 2021) và cắt giảm một phần thuế suất vào 2021 hoặc giữ nguyên thuế suất MFN.
Trong bối cảnh hàng hóa VN có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính chính là công cụ vô hiệu hóa lợi thế của FTA nếu hàng hóa không đáp ứng và là công cụ phân biệt lợi thế của các nước trong FTA với các nước bên ngoài FTA.
Thanh Tùng, Bộ Công Thương