Ngày 5/3, một hội đồng giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết có lợi cho Liên minh châu Âu (EU) trong vụ tranh chấp với Malaysia về các quy định ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ của EU. Báo cáo dài 348 trang của hội đồng trên đã được công bố trên trang web của WTO.
Phán quyết của WTO được đưa ra 3 năm sau khi Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới sau Indonesia, khởi kiện vào năm 2021. Theo đó, Kuala Lumpur khiếu nại các biện pháp của EU hạn chế việc đưa nhiên liệu sinh học từ cây trồng để tính vào các mục tiêu năng lượng tái tạo của các quốc gia thành viên và các biện pháp loại bỏ hoàn toàn tính hợp lệ của nhiên liệu sinh học từ dầu cọ vào năm 2030. Các tranh chấp này liên quan đến Chỉ thị Năng lượng tái tạo năm 2018 của EU (RED II).
Hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO kết luận rằng “Malaysia đã không chứng minh được” rằng một số biện pháp nhất định được đưa ra theo RED II “không phù hợp với nghĩa vụ... nhằm đảm bảo rằng các quy định kỹ thuật không hạn chế thương mại hơn mức cần thiết để hoàn thành mục tiêu hợp pháp”.
Năm 2021, Malaysia đã yêu cầu một hội đồng trọng tài phân xử cáo buộc rằng EU, đặc biệt là các quốc gia thành viên Pháp và Litva, đã áp đặt các biện pháp hạn chế sử dụng dầu cọ và điều này là vi phạm các hiệp định thương mại quốc tế. Về phía EU, liên minh này cho rằng sản xuất dầu cọ không bền vững và nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ không thể được tính vào các mục tiêu tái tạo của EU.
Dầu cọ là thành phần chính trong nhiều loại sản phẩm từ thực phẩm đến mỹ phẩm. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc canh tác cây cọ thúc đẩy nạn phá rừng, với những khu rừng nhiệt đới khổng lồ bị khai thác trong những thập kỷ gần đây để nhường chỗ cho các đồn điền. Chính vì lý do này, tỷ lệ sử dụng dầu cọ làm thực phẩm và mỹ phẩm tại châu Âu giảm đáng kể, nhưng sản phẩm này được khai thác để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Ngoài Malaysia, Indonesia đã xúc tiến vụ kiện riêng về dầu cọ chống lại EU tại WTO, hiện vẫn đang chờ xử lý.
Cả Indonesia và Malaysia yêu cầu tham vấn tranh chấp WTO với EU, cáo buộc rằng các biện pháp đang tranh chấp không phù hợp với một số điều khoản theo các hiệp định của WTO.
Thanh Hà, Bộ Tài chính