Tin tức

Ngày 29/2/2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024”.

Xuất khẩu gạo là “điểm sáng” trong năm 2023

Lúa gạo là hàng hóa thiết yếu với trên 50% dân số trên thế giới tiêu thụ hàng ngày và được xếp vào mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh tình hình thương mại gạo toàn cầu chịu tác động bởi nhiều yếu tố (lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia;…) đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới.

Việt Nam là một trong 03 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.

Báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,26% so với mức bình quân năm 2022.

Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.

Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:

Công tác điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu; đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.

Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng duy trì ở mức tốt. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Diễn biến tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu xu hướng có lợi cho nước xuất khẩu (sản lượng sản xuất lương thực giảm tại một số quốc gia và khu vực, Ấn Độ điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo,…). Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như: EVFTA, UKVFTA,…); cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, mở rộng sang các thị trường tiềm năng như Úc, châu Âu,… với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn.

“Xuất khẩu gạo có thể được coi là một điểm sáng với nhiều thành tích đáng ghi nhận sau những nỗ lực xuyên suốt của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân.” - Ông Trần Quốc Toản nhận định.

Mặc dù vậy, ông Trần Quốc Toản cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế như (i) thị trường nhập khẩu vẫn chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia,…; (ii) tình hình thị trường thương mại gạo cầu diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra đã ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường; (iii) các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu;…

Nhiều tín hiệu lạc quan cho hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024

Năm 2024, trong bối cảnh theo nhiều chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Ước tính sơ bộ đến hết tháng 01 năm 2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512 nghìn tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng, cụ thể, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục chịu tác động từ việc Ấn Độ thực hiện chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo, cùng với đó, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.

Tuy nhiên, tín hiệu khả quan trong dự báo nhập khẩu vẫn xuất hiện tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Philippines; các thị trường Việt Nam có lợi thế với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như khối EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; hay các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ hay các quốc gia Trung Đông.

Trước bối cảnh thị trường với cơ hội và thách thức đan xen, để tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo mục tiêu điều hành, tận dụng tốt cơ hội để tiếp tục xuất khẩu tốt sang các thị trường truyền thống và tiếp cận, gia tăng thị phần tại các quốc gia còn nhiều tiềm năng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu gạo, đồng thời cập nhật thông tin thị trường, kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của các địa phương, doanh nghiệp, từ đó đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024, Bộ Công Thương tổ chức chương trình Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 02/2024 với chủ đề: "Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường Gạo năm 2024".

Hội nghị không chỉ là nơi để đánh giḠnhận định những cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo, mà còn là cơ hội để các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp ngành gạo chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp trong công tác phát triển thị trường, xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, nâng cao vị thế thương hiệu ngành gạo.

Văn Hóa, Viện Nghiên cứu TM