Tin tức

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã vượt mốc 100 tỷ USD, nhưng vẫn chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn tại thị trường khổng lồ này. Nguyên nhân vì đâu?

Với hầu hết doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ là “cửa ải” gian nan, nhưng nếu thành công sẽ thu lại rất nhiều “quả ngọt”. Khi được các tổ chức tại Mỹ “đóng dấu” đảm bảo, có nghĩa gần như là tiêu chuẩn toàn cầu.

Điều khiến các nhà xuất khẩu nản lòng chính là hệ thống “hàng rào kỹ thuật” của Mỹ rất ngặt nghèo. Các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải hiểu và đáp ứng. Tại thị trường Mỹ, mỗi một chi tiết cấu thành sản phẩm đều được phân tích định lượng rất cụ thể.

Đặc biệt đối với ngành hàng thực phẩm, rau củ quả do Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chủ trì đánh giá cấp phép. Trước khi sản xuất hàng hóa - nếu nhắm đến thị trường Mỹ - các nhà sản xuất được yêu cầu cung cấp cho FDA bằng chứng chứng minh rằng mỗi hóa chất sử dụng đều an toàn trước khi có thể thêm vào thực phẩm.

Trong trường hợp phụ gia thực phẩm và phụ gia màu, các nhà sản xuất gửi dữ liệu và thông tin tới FDA dưới dạng kiến nghị yêu cầu phê duyệt thành phần cho mục đích sử dụng cụ thể.

Với bao bì sản phẩm, FDA cũng kiểm định kỹ lưỡng, phân tích dữ liệu thử nghiệm chứng minh mức độ di chuyển của một chất từ bao bì với thực phẩm; dữ liệu về độc tính để đảm bảo rằng sự phơi nhiễm của người tiêu dùng do sự di chuyển này là an toàn.

Để được công nhận là thực phẩm an toàn (GRAS), tất cả các dữ liệu liên quan đến sản phẩm phải được hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu công nhận. Sau khi hàng hóa gia nhập thị trường, FDA lại tiếp tục nhiệm vụ của mình, ở Việt Nam thường gọi là “hậu kiểm”.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là “nghe ngóng” phản hồi, kiến nghị từ khách hàng và các bên liên quan về chất lượng sản phẩm. Nếu thông tin đầy đủ, hội đồng khoa học sẽ tổ chức đánh giá lại hồ sơ cấp phép trước đó.

Tại Mỹ, hệ thống tiêu chuẩn, nhãn mác, con dấu là chung, tuy nhiên không tồn tại cái gọi là “thị trường đồng nhất” do nước Mỹ quá đa dạng về chủng tộc, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.

Do vậy, nhà xuất khẩu có rất nhiều “phân khúc” khách hàng để lựa chọn tiếp cận, ví dụ nhóm người gốc Phi, gốc Á, người Việt; cộng đồng Tin lành, Phật giáo ưa thích ẩm thực nhiệt đới,… thậm chí luật pháp kinh doanh ở mỗi tiểu bang không hoàn toàn giống nhau.

Doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Mỹ cần tìm hiểu và nhận thức được những trở ngại đối với thương mại thể hiện qua hàng rào phi thuế quan, các vấn đề an ninh và chính sách mua hàng của Mỹ.

Hàng rào thuế quan và phi thuế quan được sử dụng như hai “gọng kìm” để bảo vệ thị trường nội địa Mỹ. Ví dụ khi Mỹ ký kết Hiệp định Thương mại tự do với một quốc gia khác thì hàng rào thuế quan dần được loại bỏ. Thay vào đó, Mỹ sử dụng “phi thuế quan” như hạn ngạch mua hàng, chính sách mua sắm công ưu tiên hàng trong nước...

Hoạt động thương mại tại Mỹ thường bắt đầu với công việc xem chừng không mấy liên quan và rất tốn kém thời gian công sức, đó là “nghiên cứu thị trường”. Đây là điểm yếu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Thanh Hà, Bộ Tài chính