Năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, thể hiện nổi bật ở nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay, đạt 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó, một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%.
Nhiều địa phương đã có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2023. Một trong số đó là Đắk Lắk. Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh là gần 22,4 nghìn tỷ đồng; tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,88%. Đây là mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế của địa phương này và tăng trên 1,4 lần so với bình quân chung cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của Đắk Lắk.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành đạt trên 100 nghìn tỷ đồng (bằng 109,2% kế hoạch, tăng 13% so với năm 2022, cao nhất trong vòng 3 năm gần đây). Tổng diện tích cây trồng tăng 4,7% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 1,3 triệu tấn (bằng 106,32% kế hoạch, tăng 42.921 tấn). Đặc biệt, năm 2023, giá cả một số mặt hàng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk như: cà phê, sầu riêng, lúa… tăng cao, giúp tăng thu nhập người dân và doanh nghiệp nông nghiệp ước tính trên 15 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, năm 2023, một trong những lĩnh vực có bước nhảy vọt về giá trị sản xuất là trồng trọt, với sự tăng mạnh về giá của nhiều loại nông sản, đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của địa phương.
Trong đó, sầu riêng là một điển hình, với sản lượng đạt 225.642 tấn, doanh thu trên 15.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5.800 tỷ đồng so với năm 2022. Đối với cây cà phê, sản lượng niên vụ 2023 - 2024 đạt khoảng trên 564.000 tấn, hiện mức giá nhân xô đang ở mức cao, khoảng 65 - 70 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 20 triệu đồng/tấn so với năm 2022. Mặt hàng này cũng đang góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản của tỉnh Đắk Lắk.
Cùng với đó, tuy không phải là vùng trọng điểm lúa nước, chỉ với gần 114.000ha. Nhưng năng suất lúa của Đắk Lắk cao đứng thứ hai cả nước với sản lượng khá lớn, đạt trên 794.000 tấn/năm, đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân vùng trồng lúa.
Để có được kết quả đó, công tác tái cơ cấu ngành được địa phương triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Công tác chuyển đổi số được chú trọng; hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chính quyền các cấp quan tâm hơn; công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo triển khai…
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm qua, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo 3 trụ cột gồm: phát triển bảo tồn, sản xuất bền vững và bảo đảm mục tiêu an sinh. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Đắk Lắk đề ra các giải pháp: nâng cao tư duy, nhận thức cho người dân; có giải pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; áp dụng, triển khai sâu rộng công nghệ mới; tổ chức lại chuỗi sản xuất theo hướng lấy doanh nghiệp làm hạt nhân.
Để tạo thuận lợi cho ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, Đắk Lắk đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thành lập cơ quan kiểm dịch thực vật khu vực Tây Nguyên trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong việc vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch thực vật, khai báo hải quan. Đặc biệt, giúp địa phương kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng gian lận sử dụng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.
Cũng theo ông Văn, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đạt nhiều kết quả tiêu biểu ở các lĩnh vực, tiếp tục khẳng định vai trò “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Trong thời gian tới, ngành cần tiếp tục khắc phục những hạn chế, khó khăn, quyết liệt hành động và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo hướng đồng nhất về chất lượng và quy mô lớn để tạo ra sản lượng lớn phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận của thế giới; nâng cao chất lượng, vai trò, khả năng quản trị của hợp tác xã để phát huy hiệu quả. Thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đến tỉnh liên kết, hợp tác sản xuất đi đôi với đầu tư cơ sở nhà máy chế biến nhằm nâng cao giá trị nông sản. Đặc biệt, đối với những mặt hàng thế mạnh của địa phương như cà phê, tiêu, sầu riêng...
Văn Cường, Bộ Nông nghiệp