Việc hồi phục tổng cầu trên thế giới được dự báo còn nhiều trắc trở, rủi ro tắc nghẽn hay đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn khá cao. Điều này đặt ra các thách thức cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 và càng đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp, nhất là cần kiên định tham gia chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc.
Ngay trong thượng tuần tháng 1 năm năm 2024, hoạt động logistics phục vụ cho xuất khẩu (XK) đã đón nhận tin không vui khi lực lượng Houthi tại Yemen tiếp tục tấn công các tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ - tuyến thương mại lớn kết nối châu Á với châu Âu và Mỹ.
Rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn khá cao
Theo giới chuyên gia, 30% việc đi lại của các tàu container toàn cầu đi qua khu vực này và bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào tới sự an toàn này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền. 7 trong số 10 công ty vận chuyển lớn nhất thế giới đã dừng việc sử dụng Kênh đào Suez và Biển Đỏ do cuộc khủng hoảng trên.
Chưa kể, từ tháng 1/2024, một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước. Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên.
Trước vấn đề này, như chia sẻ của chuyên viên phân tích thuộc Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), đây có thể là một thách thức mới cho DN thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN thủy sản.
Chính vì vậy mà hôm 8/1, Vasep đã có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong đó có tổng hợp nhanh ý kiến của các doanh nghiệp (DN) về tình hình cước vận chuyển tàu biển trên một số tuyến chính. Phía Vasep có đề nghị Cục Xuất Nhập khẩu tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương hoặc có các giải pháp, tác động để hỗ trợ cộng đồng DN xuất khẩu nói chung giảm áp lực lớn về chi phí vận tải tăng cao như hiện nay.
Còn theo ông Vương Đức Anh, người phát ngôn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), vấn đề ở Biển Đỏ sẽ làm giá cước vận tải tăng cao và thời gian giao hàng bị kéo dài gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao thương của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, thị trường quý 1/2024 dự báo vẫn chưa tốt hơn so với quý 4/2023, khả năng phải từ quý 2/2024 thị trường sẽ ấm dần lên.
Mới đây, trong báo cáo về kinh tế vĩ mô năm 2023 và dự báo năm 2024 thông qua sự phối hợp giữa nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Tp.HCM và Cục Thống kê Tp.HCM, có lưu ý mặc dù chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực và được dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, tuy nhiên rủi ro tắc nghẽn hay đứt gãy vẫn còn khá cao.
Nhất là các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng địa chính trị đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Oslo (Peace Research Institute Oslo) dựa trên Dự Án Dữ Liệu về Xung Đột Vũ Trang của Đại Học Uppsala (Uppsala Conflict Data Program), số lượng, cường độ và thời gian kéo dài của các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới đang ở mức cao nhất kể từ thời Chiến Tranh Lạnh.
Báo cáo này cho rằng với khả năng sản xuất và cung ứng toàn cầu vẫn đang trong quá trình hồi phục, sức ép lên giá cả đến từ nguồn cung hạn chế sẽ không nhanh chóng biến mất. Điều này sẽ khiến cho công cuộc chống lạm phát ở Mỹ và Châu Âu có khả năng sẽ còn kéo dài.
Kiên định tham gia chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc
Vì vậy xác suất các ngân hàng trung ương ở Mỹ và Châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024, đặc biệt là nửa đầu năm, là khá thấp. Cả Mỹ và Châu Âu đều được dự báo tăng trưởng với tốc độ khá khiêm tốn trong năm 2024.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc vẫn đang trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng của khu vực bất động sản. Mặc dù hầu hết các tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới đều ghi nhận nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc ổn định hệ thống tài chính và thúc đẩy tổng cầu, tăng trưởng của Trung Quốc vẫn được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2024.
Cũng theo báo cáo nêu trên, việc các thị trường lớn cho XK của Tp. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, đều được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2024 cho thấy, XK của TP. HCM và Việt Nam đến các thị trường này sẽ khó có khả năng bứt phá trong năm 2024. Đây sẽ một thách thức cho Tp. HCM và Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hồi phục của tổng cầu.
Trước bối cảnh như vậy, để thúc đẩy tổng cầu, giới chuyên gia cho rằng các địa phương, cơ quan quản lý cần chú ý nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các DN tìm kiếm đối tác và mở rộng, đa dạng hóa thị trường XK sang các quốc gia ngoài Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu. Việc đa dạng hóa thị trường XK sẽ giúp cho XK giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Trung, hiệu trưởng Đại học Ngân hàng Tp.HCM tại diễn đàn bàn về kinh tế vĩ mô 2024 tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 9/1, trong hoạt động XK rất cần hướng mạnh hơn đến những thị trường khả quan về tăng trưởng kinh tế, đơn cử như Ấn Độ, thay vì chỉ tập trung vào châu Âu.
Đơn cử ở Tp.HCM, số liệu từ 2 năm trước đã chỉ rõ có ba thị trường tiềm năng ở ba quốc gia Việt Nam đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện nhưng chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch XK của TP. HCM là: Nhật Bản (7,16%), Hàn Quốc (4,31%) và Ấn Độ (1,41%). Trong khi đó, hiện nay Ấn Độ vẫn đang là nền kinh tế có tốc tăng trưởng cao và ổn định.
Nói tóm lại, khi mà việc hồi phục tổng cầu trên thế giới còn nhiều trắc trở, đặt ra các thách thức cho hoạt động XK của Việt Nam trong năm 2024 thì càng đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các DN. Nhất là cần kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới, cũng như kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường vốn còn đầy bất định.
Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn